Cuộc tập kích quy mô lớn vừa qua bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các lực lượng Nga là một dấu hiệu cho những diễn biến sắp tới có thể xảy ra tại Syria. Các lực lượng Mỹ hoàn toàn có thể phải hứng chịu một cuộc tấn công tương tự.
Tuy nhiên, phương thức dùng máy bay đánh chặn hoặc tên lửa đất-đối-không để đối phó UAV đều rất đắt đỏ. Giới chuyên gia Mỹ cho rằng, những chiếc máy bay tấn công hạng nhẹ như A-29 Super Tucano có thể là một lựa chọn tiết kiệm chi phí hơn nhiều.
"A-29 có khả năng tiêu diệt không-đối-không nên chắc chắn nó có thể chống lại hiệu quả nhóm mục tiêu đó" - Taco Gilbert, phó chủ tịch phụ trách bộ phận Tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) của Sierra Nevada - đơn vị sản xuất A-29 nói với các phóng viên hôm 16/1.
Ông Gilbert nêu dẫn chứng rằng, trong giai đoạn cuối của Thế chiến II, các máy bay chiến đấu Spitfire, với động cơ đốt trong (piston), đã đánh chặn rất hiệu quả tên lửa V-1 của Đức - loại được cho là tên lửa hành trình đầu tiên của thế giới.
Khi các phi công trên Spitfire nắm bắt rõ hơn về V-1, họ thậm chí chẳng buồn bắn vào tên lửa này mà chỉ cần bay lên cao, sau đó sà xuống, dùng cánh máy bay để hạ gục chúng.
Mô phỏng cách máy bay chiến đấu Spitfire dùng cánh "hạ gục" tên lửa V-1. Ảnh: Mail Online
Theo ông Gilbert, các phi công ngày nay có thể áp dụng phương thức tương tự để đánh chặn máy bay không người lái.
"Khi nhìn vào loại vũ khí tương tự hiện nay, như tên lửa hành trình hoặc UAV bay chậm thì đây (A-29) là một mẫu máy bay rất hiệu quả để tác chiến trong môi trường đó" - ông Gilbert nhấn mạnh, đồng thời cho biết, ngay cả khi phải dùng tới vũ khí thì A-29 cũng được trang bị súng máy .50 cal có độ chính xác rất cao, có thể nhanh chóng tiêu diệt các mối đe dọa.
Theo chuyên gia David Knoll tại Trung tâm phân tích Hải quân, mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng "bầy" UAV đang gia tăng:
"Quan sát hoạt động của các máy bay không người lái có nguồn gốc không xác định trong 2-3 năm qua, tôi cho rằng các tổ chức phi chính phủ sẽ tìm cách tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái trong tương lai".
"Tương tự như cuộc chiến với thiết bị nổ tự chế (IED) được triển khai trong chiến tranh Iraq, chúng ta đang được chứng kiến một cuộc 'mèo vờn chuột' giữa các tổ chức phi chính phủ triển khai máy bay không người lái và các lực lượng vũ trang chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn chúng.
Sự khác biệt mấu chốt là lĩnh vực thương mại đang thúc đẩy công nghệ máy bay không người lái phát triển nhanh chóng. Các tổ chức phi chính phủ chỉ cần sửa đổi chúng (nhiều khi không cần) và tìm ra cách triển khai hiệu quả trong hoạt động quân sự" - ông Knoll nói.
Một máy bay không người lái tấn công căn cứ Không quân Khmeimim của Nga tại Syria. Ảnh: Bộ QP Nga.
Samuel Bendett, một chuyên gia khác về công nghệ máy bay không người lái tại Trung tâm phân tích Hải quân, đồng tình rằng cuộc tấn công bằng "bầy" UAV, như cuộc tập kích nhằm vào các lực lượng Nga tại Syria, sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Phương thức tốt nhất để phòng thủ trước các cuộc tấn công này là tác chiến điện tử (EW).
"Nga cũng đang thảo luận việc tăng cường hệ thống tác chiến điện tử sau vụ tấn công vào căn cứ ở Syria" - Bendett cho hay.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng A-29 như một phương thức tấn công bằng động lực nhằm vào UAV, theo chuyên gia Bendett, tốt hơn nên sử dụng chúng như một phương tiện mang các thiết bị tác chiến điện tử.
Máy bay A-29 Super Tucanos tại Afghanistan tháng 4/2016. Ảnh: Aviation Week
"Bất cứ phương tiện nào trang bị đầy đủ cảm biến cũng có thể theo dõi hoặc tấn công và phá hủy một số loại UAV mục tiêu nhất định, Nga đã lắp đặt hệ thống EW trên UAV cỡ nhỏ Orlan-10", Bendett nói, "Lấy Leer-3 (một thiết bị gây nhiễu trên UAV Orlan-10) làm ví dụ thì các công nghệ khác cũng có thể được phát triển để lắp đặt trên các phương tiện bay chiến đấu".
Nếu trang bị các mẫu máy bay như A-29 hoặc AT-6, Không quân Mỹ có thể sử dụng chúng như phương thức phòng thủ chống lại "bầy" UAV, thay vì phải dùng tới tên lửa AIM-120D AMRAAM trị giá 1,8 triệu USD phóng từ tiêm kích tàng hình F-22 Raptor hoặc F-15 Eagle.
Xét về khía cạnh hiệu quả chi phí thì phương thức này chắc chắn hợp lý hơn cả.
Máy bay tấn công A-29 Super Tucano thực hành bắn đạn thật. Nguồn: AiirSource Military