Cờ của liên minh quân sự NATO. Ảnh: AFP
Theo Đài Sputnik, vài năm qua, một số quốc gia ở phương Tây đã cáo buộc Nga, Iran và Trung Quốc sử dụng truyền thông xã hội để tác động đến xã hội hoặc can thiệp vào các cuộc bầu cử của họ. Tuy nhiên, các nước này đều không đưa ra bằng chứng cho lập luận đó.
Bây giờ, họ dường như đang xem xét phát triển loại "vũ khí" tâm trí tương tự cũng như loại lá chắn để chống lại nó.
Vũ khí này được gọi là "chiến tranh nhận thức" và sức mạnh của nó vừa được Đại học Johns Hopkins và Đại học Hoàng gia London đồng mô tả trong một bài báo đăng trên trang web NATO Review, thuộc chùm bài viết dự báo công nghệ tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể như thế nào.
Theo các tác giả, chiến tranh nhận thức sẽ khiến một nền xã hội bị hiệu quả mà không cần sử dụng vũ lực hoặc đàn áp.
Nhóm nghiên cứu cho biết chiến thuật này có thể bị giới hạn về thời gian và phạm vi, chẳng hạn như gây cản trở hệ thống phòng thủ của kẻ thù trong một khu vực nhất định, hoặc nó có thể ảnh hưởng đến một quốc gia trong nhiều thập kỷ.
Các tác giả lý giải rằng trong chiến tranh nhận thức, tâm trí con người trở thành chiến trường. Mục đích là thay đổi không chỉ những gì con người nghĩ mà còn cả cách họ suy nghĩ và hành động.
Nếu thành công, nó định hình và ảnh hưởng đến niềm tin và hành vi của cá nhân hoặc nhóm người nhằm ủng hộ các mục tiêu chiến thuật của đối phương. Ở dạng cực đoan, nó có khả năng làm tan vỡ và phân mảnh toàn bộ xã hội, không còn ý chí tập thể để chống lại ý định của kẻ thù.
Chiến lược chiến tranh nhận thức cần đến các tiềm lực về kỹ thuật mạng, thông tin, tâm lý và xã hội. Sự phong phú của điện thoại thông minh, phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn tin tức kỹ thuật số hiện nay giúp chiến lược này tương đối dễ thực hiện.
Tất cả những thứ này có thể được sử dụng để gieo rắc nghi ngờ, đưa ra các câu chuyện mâu thuẫn, phân cực dư luận, cực đoan hoá các nhóm và cuối cùng là phân mảnh các xã hội bị ảnh hưởng.
Nếu nghĩ đến cụm từ “tin giả”, bạn cần cẩn trọng hơn thế. Các nhà nghiên cứu thừa nhận những câu chuyện được gọi là "giả" có thể được sử dụng để khuếch đại bất kỳ thông điệp nào, nhưng chúng không hoàn toàn cần thiết để thực hiện chiến tranh nhận thức.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng nhiều yếu tố hiện diện trong xã hội hiện đại đang tạo nền tảng cho việc triển khai chiến tranh nhận thức dễ. Họ giải thích rằng con người ngày nay phải phản ứng với tin tức một cách nhanh chóng và kết quả là dễ bị cảm xúc lấn át, hiếm khi đi sâu vào bối cảnh của bất kỳ mẩu tin tức nào.
Ngoài ra, bất chấp sự lan rộng của phương tiện truyền thông xã hội và gia tăng kết nối nói chung, mọi người có xu hướng kết hợp với nhau theo nhóm và cuối cùng bị cô lập trong "bong bóng" của họ. Do đó, phản ứng của họ có thể bị thao túng.