NATO tìm cách mở rộng vòng tay bạn bè khi Nga - Trung xích lại gần nhau

Bảo Hà |

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (TTK NATO) Jens Stoltenberg ngày 1/2 cho biết ông đang tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn và nhiều bạn bè hơn cho NATO ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

NATO tìm cách mở rộng vòng tay bạn bè khi Nga - Trung xích lại gần nhau - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong chuyến thăm Căn cứ không quân Iruma, Nhật Bản, ngày 31/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

TTK Jens Stoltenberg cho biết mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng của Trung Quốc với Nga đang đặt ra mối đe dọa không chỉ đối với châu Á mà cả châu Âu.

Theo hãng tin AP, ông Stoltenberg nhấn mạnh Trung Quốc đang ngày càng đầu tư vào vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa mà không tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa về kiểm soát vũ khí.

“Thực tế Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn, các khoản đầu tư đáng kể cũng như các khả năng quân sự tiên tiến mới phản ánh Trung Quốc đặt ra mối đe dọa, đặt ra thách thức đối với các đồng minh NATO. An ninh không dừng ở khu vực mà nó mang ý nghĩa toàn cầu”, ông Stoltenberg phát biểu tại hội trường Đại học Keio ở Tokyo.

Tuy nhiên, người đứng đầu NATO cho hay liên minh này không coi Trung Quốc là kẻ thù hay muốn căng thẳng đối đầu leo thang. Liên minh này sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích chung chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Ngày 31/1, ông Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm và nhất trí đẩy mạnh quan hệ đối tác về an ninh trong không gian mạng, quốc phòng và các lĩnh vực khác.

Ngoài Nhật Bản, NATO cũng đang tăng cường hợp tác thiết thực với Australia, New Zealand và Hàn Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng trên biển và các lĩnh vực khác, đồng thời tăng cường sự tham gia của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng của các nước này trong các cuộc họp của NATO.

Thủ tướng Kishida ngày 31/1 đã công bố kế hoạch của Nhật Bản mở văn phòng đại diện tại NATO.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ, trong những năm gần đây đã mở rộng quan hệ quân sự với các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như với Anh, châu Âu và NATO trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tokyo đã nhanh chóng tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu liên quan đến xung đột Ukraine, cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo và thiết bị phòng thủ phi chiến đấu cho Ukraine.

Trước khi tới Nhật Bản, TTK NATO Stoltenberg đến Hàn Quốc và kêu gọi Seoul cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.

Về phía mình, Triều Tiên lên án các chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Hàn Quốc và Nhật Bản, nói rằng NATO đang tìm cách đặt sự hiện diện của “quân đội trong khu vực” để gây sức ép buộc các đồng minh châu Á của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Triều Tiên cũng chỉ trích việc tăng cường hợp tác giữa NATO và các đồng minh của Mỹ ở châu Á là một quá trình nhằm tạo ra một "phiên bản châu Á của NATO", cho rằng điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

theo Báo tin tức

Đọc báo mới, xem tin nóng hôm nay tại Soha. Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên