Dùng hẳn tiếng Latin để gọi đối thủ là Chuột, NATO bị Nga bóc mẽ: Chúng tôi đâu dễ bị lừa!

Vy Lam |

Theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga không dễ bị đánh lừa bởi cái tên "Murinus" và cụm từ "mối đe dọa từ phương bắc" mà NATO đưa ra.

Trident Juncture 18, cuộc tập trận Bắc Cực lớn nhất của NATO kể từ thời Chiến tranh Lanh, đã bắt đầu diễn ra tại Scandinavia, với sự tham gia của 50.000 binh lính, 140 máy bay và 70 tàu chiến, trong đó có một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

Cuộc tập trận mô phỏng tình huống đáp trả trước một cuộc tấn công giả định "từ phía bắc". Trao đổi với Sputnik, các nhà quan sát quân sự cho rằng, không khó để đoán ra "mối đe dọa phía bắc" mà NATO đang đề cập đến là ai.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga đã thực hiện chuyến bay kéo dài 10 tiếng ở các vùng biển giao giữa biển Barents và biển Na Uy, khiến Anh phải điều động các chiến đấu cơ tới "hộ tống" chúng do cuộc tập trận của NATO đang diễn ra trong khu vực này.

Cùng ngày, Moskva thông báo rằng trong tuần tới, quân đội Nga sẽ tổ chức bắn tên lửa gần Finnmark, bắc Na Uy, cách khu vực NATO tập trận vài trăm km.

Theo viễn cảnh do NATO đặt ra thì Na Uy sẽ bị tấn công "từ phía bắc" bởi một quốc gia hư cấu có tên Murinus (tiếng Latin, nghĩa là thuộc họ nhà chuột), khiến liên minh này phải áp dụng Điều 5 trong Hiệp ước Washington, và tới ứng cứu.

Sau khi ngăn chặn được "kẻ gây hấn", các lực lượng NATO sẽ phản công lại Murinus bằng các chiến dịch vũ trang kết hợp.

NATO tuyên bố mục tiêu chính của cuộc tập trận là triển khai nhanh chóng các lực lượng chủ lực trên khắp châu Âu và Đại Tây Dương.

Hôm thứ Ba, tại cuộc họp báo với Thư ký NATO – Tướng Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bakke-Jensen cho biết, cuộc tập trận là "cơ hội lớn để Na Uy rèn luyện và thực hành khả năng tiếp nhận - giám sát một nhóm lớn binh sĩ và thiết bị từ nước ngoài", cũng như "tiến hành các hoạt động chung với tư cách là đồng minh và đối tác".

Tiểu đoàn xe tăng số 2 của Mỹ tham gia cuộc tập trận Trident Juncture 18 ở Na Uy

Nga không dễ bị đánh lừa

Theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga không dễ bị đánh lừa bởi cái tên "Murinus" và cụm từ "mối đe dọa từ phía bắc" mà NATO đưa ra.

Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức Nga và Belarus hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cảnh báo rằng: "Hoạt động quân sự của NATO gần biên giới [Nga] đã đạt đến mức độ ‘chưa từng thấy’ kể từ thời Chiến tranh Lạnh".

Theo ông Shoigu, "các chính sách được NATO đưa ra nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại sườn phía đông của Nga", trong đó các quốc gia thành viên của liên minh này lấy cớ "mối đe dọa từ Nga" để thực hiện kế hoạch của mình.

Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov – Đại tá hải quân Nga về hưu - đồng tình với ý kiến của ông Shoigu. Treo đổi với hãng tin Sputnik, ông Sivkov cho rằng "NATO không có đối thủ nào khá trong khu vực".

"Không thể loại trừ khả năng dưới lớp ‘vỏ bọc’ – cuộc tập trận này, liên minh NATO sẽ triển khai lực lượng để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc ‘xâm lược’ nhằm vào Nga.

Điều duy nhất có thể ngăn cản họ là vị thế hạt nhân của Moskva. Hoàn toàn có thể hiểu được sự lưỡng lự của NATO , bởi không ai muốn hứng chịu một quả bom hạt nhân cả" – ông Sivkov nói.

Ngoài ra, theo cựu Đại tá Hải quân Nga, không phải ngẫu nhiên mà cuộc tập trận của NATO diễn ra ở biển Barents và biển Na Uy – nơi các tàu ngầm hạt nhân của Nga đang tuần tra.

"Có lẽ họ sẽ thực hành tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm, cũng như tàu mặt nước của Nga ở biển Barents và phần phía bắc biển Na Uy" – ông Sivkov nhận định.

Chiến lược của Mỹ đã được chứng minh

Tiến sĩ Sergei Sudakov, giáo sư tại Học viện Khoa học quân sự Nga cho rằng, cuộc tập trận Trident Juncture là một nỗ lực (do Mỹ đi đầu) nhằm thể hiện sự kết nối giữa các nước đồng minh, và làm cái cớ để thúc đẩy thu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia trong khối NATO.

"Họ đang tìm cách trấn an các đối tác châu Âu, đồng thời cho thấy sức mạnh của Mỹ và đồng minh đã lớn hơn trước đây, và rằng châu Âu đã được bảo vệ rất tốt. Tuy nhiên, nếu các quốc gia châu Âu muốn có được sự bảo vệ như thế, họ phải chi tiền" – ông Sudakov nói.

"Nếu Mỹ có thể thuyết phục các nước châu Âu về mối nguy hiểm khi một cuộc chiến tranh khác nổ ra tạo đây thì điều đó sẽ mang lại cho họ các hợp đồng vũ khí mới, và các căn cứ mới.

Đối với Washington, đây là một hệ thống đã được chứng minh có thể tạo ra nguồn thu lời, và là một cách để chinh phục các quốc gia khác. Ngay khi Mỹ đặt căn cứ quân sự của họ trên lãnh thổ một quốc gia nào khác thì điều đó có nghĩa nước ấy đã mất chủ quyền" – ông Sudakov nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại