Lính Ukraine bốc dỡ lô tên lửa Javelin do Mỹ gửi. Ảnh: CNN
Thời gian gần đây, một số nước như Anh, Tây Ban Nha và Canada đã tuyên bố sẽ hỗ trợ cho Ukraine hệ thống phòng không, nhiên liệu và quân tư trang mùa Đông. Tuy nhiên những cam kết như vậy nhiều khả năng sẽ làm cạn kiệt nguồn cung vũ khí của chính các nước phương Tây. Một số phương tiện truyền thông cho rằng, kho dự trữ đạn dược của Đức chỉ có thể sử dụng được tối đa 2 ngày, trong khi quy định của NATO yêu cầu lượng dự trữ đạn dược của các nước thành viên cần phải duy trì trong 30 ngày nếu chiến tranh nổ ra.
Ông Rafael Loss, chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), cho biết, các đơn đặt hàng vũ khí bổ sung của NATO chỉ mới được thực hiện trong thời gian gần đây, do đầu năm nay nhiều quốc gia cho rằng Ukraine sẽ không thể cầm cự được trước các đợt tấn công của Nga.
Ngành công nghiệp vũ khí và năng lực sản xuất vũ khí của châu Âu đã bị thu hẹp đáng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Giám đốc điều hành một tập đoàn sản xuất vũ khí tại châu Âu tiết lộ với The National rằng, ngành công nghiệp này vẫn đang chờ đợi “tín hiệu nhu cầu” của các chính phủ để gia tăng đáng kể năng lực sản xuất.
“Điều đó không chỉ đòi hỏi sự thay đổi nhằm thích ứng với quy trình mua sắm ở các nước NATO mà còn đòi hỏi một cách mạng trí tuệ để xử lý sự phức tạp của những quyết định như vậy”, ông Rafael Loss lưu ý.
Thúc đẩy năng lực sản xuất vũ khí
Quyết tâm của NATO trong việc tăng cường kho vũ khí của liên minh này phần lớn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu chiến đấu của Ukraine cũng như nỗ lực hợp tác để mua vũ khí, đạn dược.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định trong các cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels rằng, việc bổ sung kho vũ khí, đạn dược của họ và tăng cường năng lực phòng không của Ukraine là ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta càng khai thác nhiều kho dự trữ khí tài quân sự hiện có của NATO thì việc tăng cường sản xuất vũ khí càng quan trọng”, ông Jens Stoltenberg nói.
Ông Jens Stoltenberg cho rằng, về lâu dài liên minh quân sự này cần phải giúp Ukraine chuyển đổi từ vũ khí có từ thời Liên Xô sang những vũ khí hiện đại theo tiêu chuẩn NATO. Đến thời điểm hiện tại, các đối tác phương Tây đã cung cấp cho Ukraine rất nhiều hệ thống do Liên Xô sản xuất nhưng số vũ khí này cũng đang dần cạn kiệt.
Chuyên gia Rafael Loss đánh giá: “Bước đi hợp lý tiếp theo là cung cấp cho Ukraine xe tăng và xe chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO vì luôn có sẵn chuỗi cung ứng và bảo trì”.
Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, sự hỗ trợ của NATO giúp Ukraine đạt được một số bước tiến trên chiến trường và duy trì các cuộc phản công ở cả phía Đông lẫn phía Nam trong một vài tháng qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cảm ơn các đồng minh châu Âu công bố thêm những gói hỗ trợ mới cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các khả năng mới của Ukraine, trong đó có việc tích cực triển khai các khóa huấn luyện đào tạo để giúp các lực lượng nước này sử dụng vũ khí mới một cách hiệu quả nhất. Kể từ tháng 2 đến nay, sự hỗ trợ về an ninh của Mỹ dành cho Ukraine đã lên tới 16,8 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố, khả năng phương Tây cạn kiệt vũ khí trước so với Nga là điều không thể xảy ra, bởi các lệnh trừng phạt đã làm suy yếu chuỗi cung ứng của Nga, trong khi châu Âu vẫn duy trì được khả năng sản xuất vũ khí vượt trội.
Những khoản đầu tư bị lãng quên
Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nước thành viên, nhà phân tích Rafael Loss lưu ý, trên thực tế, các nước châu Âu không có nhiều khả năng cung cấp cho Ukraine những hệ thống phòng không phức tạp.
Theo chuyên gia Rafael Loss, Châu Âu không mấy quan tâm đến việc phát triển hệ thống phòng không trong những thập kỷ trước. Những đợt triển khai binh sỹ hoặc vũ khí ở nước ngoài của họ tại khu vực cận sa mạc Sahara hoặc ở Afhganistan trước đây chủ yếu tập trung chống lại phiến quân và không cần dùng những hệ thống tên lửa đạn đạo phức tạp.
“Mối đe dọa từ trên không tại những khu vực này khá hạn chế so với những gì Ukraine đang phải đối mặt”, ông Rafael Loss nhấn mạnh.
Hôm 10 và 11/10 vừa qua, Ukraine đã hứng chịu một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa của Nga, khiến nhiều cơ sở hạ tầng của nước này bị hư hỏng nghiêm trọng. Giới phân tích cho rằng, cuộc tấn công như vậy có thể được tiến hành bằng những vũ khí không quá phức tạp. Kiev có thể đánh chặn nhiều tên lửa trong số này và ngăn chặn Nga kiểm soát không phận nhưng họ sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ phương Tây để đối phó với tên lửa tầm xa của Nga.
Ý chí chính trị
Một số báo cáo gần đây cho biết, châu Âu đang củng cố sự đoàn kết và tập hợp ý chí chính trị để có thể đi trước Nga trong cuộc chạy đua vũ trang.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO hôm 14/10, gần một nửa trong số 30 quốc gia thành viên của NATO đã ký ý định thư về phát triển Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu. Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu do Đức khởi xướng, được nhìn nhận là cách tiếp cận đa quốc gia và đa diện, cung cấp cho châu Âu một phương thức linh hoạt và có thể mở rộng để các nước tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho rằng, những khoảng trống hiện có trong năng lực phòng không châu Âu cần được lấp đầy "nhanh chóng" vì châu Âu đang sống trong "thời điểm nguy hiểm, đầy đe dọa”.
Nhà phân tích Rafael Loss lý giải, “mục đích của sáng kiến này là tập hợp mọi khả năng và giúp các nước thành viên có thể mua vũ khí với giá thành phải chăng nhất. Sáng kiến có thể chưa được triển khai cho đến năm 2025”.
Ông lưu ý, những nỗ lực trước đây nhằm tạo ra một cơ sở hạ tầng phòng thủ tên lửa tích hợp của châu Âu đã không diễn ra theo dự kiến. Nhưng sự thay đổi trong môi trường an ninh quốc tế có thể tạo là động lực để biến điều đó thành hiện thực./.