NATO sắp điều thêm quân đến 3 quốc gia gần Nga?

Minh Hạnh |

NATO đã đạt được thoả thuận về việc điều thêm quân đến Romania, Slovakia, Bulgaria và sẽ chính thức đưa ra quyết định về việc này trong cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ngày 16/2, Dpa đưa tin.

Hãng tin Dpa (Đức) ngày 11/2 cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được thoả thuận về việc điều thêm quân đến một số quốc gia gần Nga, và sẽ chính thức hoá thoả thuận này vào ngày 16/2 tới, khi một kế hoạch bằng văn bản dự kiến được thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng.

Thông tin trên hiện chưa được các bên liên quan xác nhận.

Theo Dpa, việc triển khai được NATO xem xét từ cuối tháng 1, nhưng dường như đã vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên. Quá trình điều binh được cho là sẽ diễn ra ngay trong mùa Xuân. Lực lượng Mỹ và Pháp có thể sẽ chiếm phần lớn số binh sĩ được điều đến Romania, Slovakia và Bulgaria.

Trước đó, 3 quốc gia vùng Baltic và Ba Lan đã đón hàng nghìn binh sĩ từ các nước thành viên NATO khác trong một nỗ lực mà liên minh mô tả là nhằm ngăn chặn hành động gây hấn của Nga, cũng như nhằm trấn an các nước láng giềng Đông Âu rằng liên minh sẽ bảo vệ họ.

Đáp lại, Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc rằng nước này đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời khẳng định việc điều động binh sĩ bên trong lãnh thổ Nga là việc riêng của nước này.

Mátxcơva cũng đổ lỗi cho NATO về sự leo thang căng thẳng ở châu Âu, cáo buộc liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga và không ngừng mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ở Đông Âu .

NATO sắp điều thêm quân đến 3 quốc gia gần Nga? - Ảnh 1.

Bản đồ một số nước thành viên NATO (màu xanh). Ảnh: The Washington Post

Kế hoạch của NATO cũng có thể gây rắc rối ở Slovakia, nơi nhiều người phản đối sự tăng cường hiện diện của quân đội nước ngoài. Hồi đầu tuần, quốc hội Slovakia đã đưa ra quyết định gây tranh cãi khi cấp phép cho quân đội Mỹ sử dụng 2 căn cứ không quân của nước này trong ít nhất 10 năm, đổi lấy khoản đầu tư 100 triệu USD vào cơ sở hạ tầng của các căn cứ.

Theo Dpa, kế hoạch của NATO cũng bao gồm phương án tái bố trí quân đội ở các khu vực khác của châu Âu. Giới quan sát tỏ ra lo lắng về phản ứng của Nga trước thông tin này. Tuy nhiên, Dpa cho rằng việc Hungary công khai từ chối đón thêm binh sĩ NATO đến nước này có thể sẽ giúp xoa dịu Mátxcơva.

Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình vào ngày quốc hội Slovakia nhóm họp. Chỉ 79 trong số 150 thành viên quốc hội Slovakia ủng hộ thoả thuận, trong khi nhiều nghị sĩ phe đối lập lên tiếng phản đối mạnh mẽ vì cho rằng việc đó sẽ tạo điều kiện để lực lượng Mỹ đóng quân lâu dài trên lãnh thổ Slovakia.

Mỹ có thỏa thuận tương tự với 23 thành viên NATO khác, bao gồm Ba Lan và Hungary, hai quốc gia khác láng giềng của Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại