NATO "nhìn thấy Nga là chạy", Ukraine phải tự lo lấy thân mình?

Trương Mạnh Kiên |

Ukraine sẽ chẳng thể trông chờ vào phương Tây nếu rơi vào một cuộc chiến với Nga. Bài học Crimea năm 2014 cho thấy Kiev phải tự lo lấy thân mình.

NATO nhìn thấy Nga là chạy, Ukraine phải tự lo lấy thân mình? - Ảnh 1.

Sự phô trương lực lượng của Nga gần đây là thông điệp gửi đến Washington.

Việc Nga được cho là đã triển khai 80.000 quân đến sát biên giới phía Đông Ukraine và Crimea đã trở thành tin tức gây chú ý gần đây. Có nhiều lo ngại về ý định của Moscow và nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.

Về mặt kỹ thuật, Ukraine và Nga đã xung đột từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và căng thẳng chiến sự ở Donbass.

Các hành động đối đầu trong khu vực đã lắng xuống trong năm gần đây, nhưng các động thái mới vừa xảy ra đã nhắc nhở một điều rằng cuộc xung đột giữa hai nước sẽ chưa thể kết thúc.

Lý do Nga điều quân đến sát biên giới Ukraine

Theo The Conversation, trên thực tế, với tầm quan trọng chiến lược của Ukraine đối với Nga, bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng vẫn còn rất xa vời.

Sự đan xen của một số yếu tố được coi là động lực dẫn đến màn căng thẳng mới trong khu vực hiện nay và giải thích lý do vì sao Nga có thể tìm cách leo thang xung đột ở Ukraine

Thứ nhất, sau khi Joe Biden được bầu làm tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa Moscow và Washington đang xấu đi, nên sự tăng cường hành động sát Ukraine là một trong những cách mà Nga thể hiện lập trường cứng rắn của mình.

Thứ hai, gần đây các cuộc thảo luận về việc Ukraine trở thành thành viên của NATO đang gia tăng. Mặc dù điều này rất khó xảy ra trong tương lai gần, nhưng ý định gia nhập liên minh phương Tây của Ukraine luôn bị Moscow phản đối gay gắt.

Thứ ba, vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã tăng cường các nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của các lực lượng chính trị ủng hộ Nga ở Ukraine.

Thứ tư, cho đến nay, Moscow đã không giải quyết được vấn đề an ninh nguồn nước kéo dài ở Crimea như đã cam kết thực hiện vào mùa hè năm 2021, sau khi Kiev cắt nguồn cung cấp nước cho bán đảo này.

Điều này khiến cho Moscow đang tiêu tốn quá nhiều chi phí, khi một số ước tính cho thấy Nga đã chi khoảng 23 tỷ USD trong 5 năm đầu tiên sáp nhập Crimea. Do đó, việc tập trung quân sự gần đây có thể là một cách để gây áp lực với Kiev.

Thứ năm, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đã tăng cường ủng hộ Ukraine và có các động thái công kích Nga trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước gần đây.

Nga được cho là đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ ở Donbass.

Đây có thể trở thành vấn đề tranh cãi nóng vì quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào căng thẳng nghiêm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong cuộc chiến năm ngoái với Armenia ở Nagorno-Karabakh. Nga coi đây là sự xâm phạm vào phạm vi ảnh hưởng riêng của mình.

Chiến tranh Nga-Ukraine khó xảy ra

NATO nhìn thấy Nga là chạy, Ukraine phải tự lo lấy thân mình? - Ảnh 2.

Sự xích lại gần nhau giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga lo ngại.

Nhưng bất chấp căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng, nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai nước hoặc một động thái tấn công trước của Nga vào Ukraine vẫn tương đối khó xảy ra.

Đầu tiên, cái giá Nga phải trả cho một hành động quân sự sẽ quá lớn, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Duma Quốc gia quan trọng vào tháng 9/2021.

Hơn nữa, vào ngày 15/4, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Điều này cho thấy chính quyền Biden đã sẵn sàng hành động.

Do đó, nếu xét đến chi phí quá lớn trở thành gánh nặng nền kinh tế, cùng với khả năng ảnh hưởng đến đường ống dẫn khí Nord Stream 2, Điện Kremlin rõ ràng không muốn mạo hiểm.

Về phần mình, Kiev cũng chung quan điểm với Nga rằng chi phí cho một cuộc leo thang quân sự tiềm tàng là quá lớn.

Hơn thế nữa, bất chấp sự ủng hộ về lời nói dành cho Ukraine từ phương Tây, không có khả năng liên minh này sẽ đưa ra sự hậu thuẫn quân sự nếu tình hình xấu đi nhanh chóng.

Cần phải nhớ rằng, đã không có sự hỗ trợ quân sự quốc tế nào được đưa ra khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 và Ukraine kể từ đó cũng không trở thành thành viên của NATO. Kịch bản như vậy khiến Kiev phải tự lo lấy thân mình và cái kết rõ ràng là sẽ không hề tốt đẹp, tờ The Conversation nhận định.

Diễn biến tiếp theo trong căng thẳng Nga-Ukraine

Trong ngắn hạn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Moscow và Washington rất có thể sẽ dẫn đến sự trả đũa các lệnh trừng phạt mới nhất, nên khả năng hội nghị thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Biden về tình hình Ukraine sẽ khó diễn ra.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bất chấp những căng thẳng chính trị mới nhất giữa hai cường quốc, thực tế các lệnh trừng phạt mới vẫn nằm ở mức kiềm chế. Cũng như hôm 14/4, Washington đã hủy bỏ triển khai tàu chiến Mỹ đến Biển Đen. Điều này cho thấy rằng trong khi ông Biden sẵn sàng đối đầu với ông Putin, Washington cũng đang để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Ít nhất là trong thời điểm hiện tại, cách phô trương thanh thế của Nga sẽ giải quyết căng thẳng gia tăng với Mỹ hơn là đe dọa chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại