NATO dùng đòn cứng rắn mới với Nga

Nhật Nam |

Ba Lan vừa tuyên bố NATO sẽ sử dụng một chính sách mới cứng rắn hơn là “vượt lên ngăn chặn” để đối phó với mối đe dọa của “gấu Nga”.

Ba Lan: NATO sẽ thay đổi chính sách đối phó với Nga

Cổng thông tin Onet dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macherevich cho biết, trong bối cảnh thế giới và châu Âu đang có biến động phức tạp, Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định thay đổi chính sách trong quan hệ với Nga.

Theo đó, NATO sẽ thay đổi quan hệ với Kremlin, chuyển từ chính sách dựa trên nền tảng phương châm “cố gắng không chọc giận Nga” sang chính sách “kiềm chế ngăn chặn” - Bộ trưởng Antoni Macherevich nói.

Ông này cũng cho biết, toàn thể các nước NATO ủng hộ quan điểm này, bởi đó thực chất chỉ là sự hiện thực hóa những gì chúng tôi (chỉ Ba Lan) đã cảnh báo... “Hóa ra là chúng tôi đã đúng khi nói về ‘chủ nghĩa đế quốc Nga’ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết" - ông Macherevich nói.

Về khả năng đối thoại với Liên bang Nga và tiến hành phiên họp của Hội đồng Nga - NATO, ông Macherevich tiết lộ, trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsawa (8 - 9/7) sẽ thông qua quyết định chống lại việc Nga nhiều năm đòi quyền phủ quyết trong Hội đồng.

Vị Bộ trưởng cho biết, tất nhiên là sẽ cần phải nói chuyện với Nga, nhưng là từ lập trường được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO, đó là những lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với Moscow, để ngăn chặn những bước đi hiếu chiến liều lĩnh thiếu suy nghĩ.

Ông Macherevich cho rằng, trước khi thông qua quyết định trên, không có lý do gì để đàm luận với Moscow, còn sau đó, NATO sẽ nói với Nga về việc làm thế nào để giữ gìn hòa bình trên thế giới.

 NATO dùng đòn cứng rắn mới với Nga  - Ảnh 1.

Mỹ - NATO sẽ thay đổi chính sách đối phó với Nga

Vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng, ông không muốn nói về vũ lực, bởi ở đây không phải là chuyện dùng sức mạnh đe nẹt ai đó, nhưng cuộc nói chuyện sẽ khiến Nga không chỉ từ bỏ những bước đi hiếu chiến mà còn phải trả lại cả những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng bất hợp pháp của Ukraine.

Ông Macherevich cũng bày tỏ hy vọng rằng, chính phủ Ba Lan sẽ phê duyệt kế hoạch tăng cơ số quân đội đến 150.000 người trong nhiệm kỳ ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Trong số này, 35.000 binh sĩ sẽ được biên chế vào lực lượng phòng thủ lãnh thổ.

Nói đi đôi với làm, vào ngày 4/7 vừa qua, Ba Lan đã tạm thời đình chỉ thi hành Hiệp định về lưu thông biên giới địa phương (WFP) giữa Ba Lan và khu vực Kaliningrad (vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga), đặc biệt là ở khu vực biên giới Pomorsky và Warmia-Mazury.

Phía Ba Lan lý giải hành động này xuất phát từ yêu cầu cần thiết phải tăng cường và nâng cao các biện pháp an ninh trong bối cảnh diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 8 - 9/7 ở Warsawa và từ ngày 26 - 31/7 có sự kiện “Ngày Thanh niên toàn thế giới” ở Krakow.

Nga dọa đáp trả việc NATO tăng cường áp sát biên giới

Vừa qua, bất chấp sự phản đối của Moscow, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO đã nhất trí triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia ở 3 nước Baltic và Ba Lan. Hầu hết số binh lính thuộc lực lượng phản ứng nhanh này là quân nhân các nước Đức, Anh và Hoa Kỳ.

Đây là một phần trong chính sách hướng Đông (áp sát biên giới phía Tây của Nga) của khối đồng minh quân sự này, nhằm tăng cường binh lực đến 3 nước thuộc Liên bang Xô viết cũ là Estonia, Litva, Latvia, để xiết chặt vòng vây xung quanh nước Nga.

Đồng thời, khối NATO cũng quyết định triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất của Mỹ trên lãnh thổ Romania và Ba Lan, cùng với đó là các hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển (tàu khu trục Aegis) cũng được tăng cường đến Biển Đen và biển Baltic.

Ngoài ra, NATO còn tích cực lôi kéo một số quốc gia trung lập như Moldova, Thụy Điển, Phần Lan gia nhập khối đồng minh quân sự này, nhằm biến Nga thành một "con cá" nằm trong cái rọ bốn xung quanh là các quốc gia NATO hoặc đang nhăm nhe gia nhập.

Bình luận về những động thái tăng cường binh lực của NATO gần biên giới với Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, những hành động hiếu chiến này đang làm suy yếu nguyên tắc quân bình lực lượng được gây dựng hàng chục năm nay.

"Nga liên tục bị cáo buộc rằng đang ồ ạt triển khai các hoạt động quân sự. Thế nhưng chúng ta thực hiện ở đâu chứ? Ngay trên lãnh thổ nước mình. Còn thực tế những gì đang thấy trên biên giới của chúng ta (chỉ việc NATO tăng cường binh lực sát biên giới phía Tây của Nga) thì là chuyện ‘bình thường’" - ông Putin nói.

 NATO dùng đòn cứng rắn mới với Nga  - Ảnh 2.

Nga tuyên bố sẽ đáp trả xứng đáng những hành động của Mỹ - NATO

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, Moscow muốn đối thoại nhưng hiện giờ cũng giống như trước Thế chiến II, một lần nữa Mỹ và NATO không những không đưa ra những "phản hồi tích cực", mà còn gia tăng luận điệu hiếu chiến.

Nga không hề là mối đe dọa cho bất cứ ai, nhưng sẽ không bỏ qua bất kỳ hành động nào có khả năng gây ra những nguy hiểm cho lợi ích của đất nước mình. Moscow cam kết sẽ đáp trả tương ứng bất kỳ mọi hành động nào của NATO nhằm bành trướng sang phía đông.

Nga đã thành lập hàng loạt các sư đoàn hạng nặng ở quân khu phía Tây, bổ sung thêm lực lượng cho các Hạm đội Biển Đen và Baltic, tăng cường trang bị vũ khí hiện đại đến những "tiền đồn" chống Mỹ và NATO ở vùng lãnh thổ hải ngoại Kanilingrad hay bán đảo Crimea.

Thậm chí, đã có thông tin cho rằng, Nga đã triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander và các máy bay ném bom chiến lược đến các khu vực trọng điểm này.

Có thể nói rằng, NATO đang siết chặt vòng vây xung quanh Nga nhưng Moscow cũng chuẩn bị sẵn những "mũi dao nhọn" sẵn sàng xé nát vòng vây đó. Sự đối đầu giữa hai bên không biết đến bao giờ mới kết thúc!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại