Như đã từng thông tin trước đó, sau khi MiG-21 chính thức nghỉ hưu, vai trò xương sống của Không quân Việt Nam (VPAF) đã được chuyển giao cho 64 chiếc cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22, trong đó có 51 máy bay do Liên Xô viện trợ, còn lại được thu mua từ Đông Âu vào giai đoạn 2005 - 2006.
Chủ lực của chúng ta hiện nay bao gồm 35 tiêm kích đa năng Su-30MK2 kết hợp cùng 10 chiếc tiêm kích đơn nhiệm Su-27SK/UBK đã hoạt động từ giữa thập niên 1990. Như vậy nếu bỏ qua số phản lực huấn luyện L-39C không thuộc biên chế chiến đấu thì tỷ lệ tiêm kích thế hệ 4 của VPAF đang là 41,28%.
Su-22 đang là dòng chiến đấu cơ có số lượng đông đảo nhất của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 58,72%
Trong quá trình tiếp tục đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy chúng ta có thể sớm ký hợp đồng đặt mua Su-30SME của Nga (phi công Việt Nam sang Ấn Độ tập huấn trên Su-30MKI, Tổng giám đốc Aviaprom cho biết Su-30 tiếp theo của Việt Nam sẽ do Irkut sản xuất...), hay nhận F-16 từ Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ.
Do tiềm lực kinh tế có hạn và tính cấp thiết của việc lấp khoảng trống tiêm kích nhẹ mà MiG-21 để lại, khả năng cao là Việt Nam sẽ triển khai thương vụ mua F-16 trước. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, số lượng F-16 dự kiến tối thiểu phải là 24 chiếc, nếu hợp đồng ký trong năm nay hoặc chậm nhất là 2017 thì "Chim ưng chiến" đầu tiên có thể về nước vào khoảng năm 2018.
Còn nếu Việt Nam vẫn trung thành với vũ khí Nga, dẫn tới quyết định ưu tiên Su-30SME thì gần như chắc chắn 100% con số đặt hàng sẽ là 12 chiếc để đủ biên chế cho một trung đoàn, thời gian giao hàng từ một đến hai năm sau khi hợp đồng ký kết (tham khảo trường hợp Su-30MK2).
Su-30SM hay F-16 sẽ có mặt trước tại Việt Nam?
Giả sử mọi việc tiến triển thuận lợi, toàn bộ máy bay mới được giao đầy đủ vào cuối năm 2018, trong trường hợp đầu tiên, Việt Nam sẽ có thêm 24 tiêm kích thế hệ 4, đưa tỷ lệ chiến đấu cơ hiện đại lên thành 51,88 %.
Còn nếu viễn cảnh tiếp theo xảy ra, Việt Nam sẽ xây chắc ngôi vị dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng tiêm kích hạng nặng với 57 chiếc Flanker các biến thể, lúc này tỷ lệ tiêm kích thế hệ 4 của chúng ta là 47,12%.
Cho dù kịch bản thứ nhất hay thứ hai thành hiện thực đi nữa thì trong một vài năm tới Việt Nam cũng sẽ thuộc nhóm các quốc gia có phần trăm tiêm kích hiện đại đang phục vụ trong biên chế cao hàng đầu khu vực ASEAN cũng như châu Á - Thái Bình Dương.