NATO có thể 'lách luật' với Công ước Montreux để vào Biển Đen?

Thanh Bình |

Gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen, nhưng hạn chế về địa lý và công cụ luật pháp quốc tế gây cho Liên minh này không ít khó khăn.

Theo Avia.pro, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có thể giành được quyền triển khai hàng chục tàu chiến và tàu ngầm trong vùng biển của Biển Đen khi "lách luật" với Công ước Montreux.

Điều này đã trở nên khả thi sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bulgaria Georgi Panayotov đưa ra sáng kiến triển khai Bộ chỉ huy Biển Đen của NATO trên lãnh thổ nước này, giúp Liên minh có thể tự do duy trì một số lượng lớn tàu chiến trong khu vực.

NATO có thể lách luật với Công ước Montreux để vào Biển Đen? - Ảnh 1.

Các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng ở Biển Đen cho thấy giá trị chiến lược của vùng biển này trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga. (Ảnh: U.S. Naval Forces Europe-Africa)

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Bulgaria cho biết, nước này quan tâm đến việc triển khai một Bộ chỉ huy hải quân NATO tại khu vực Biển Đen trên lãnh thổ của mình. Một số quốc gia thành viên NATO đã thông qua đề xuất này, tuy nhiên, quyết định cuối cùng dự kiến sẽ chỉ được đưa ra trong tương lai.

"Việc triển khai Bộ chỉ huy hải quân NATO ở Biển Đen trên lãnh thổ của Bulgaria sẽ tự động giải phóng bàn tay của Liên minh trong khu vực này. Trên thực tế, điều này cho phép sự hiện diện của bất kỳ số lượng tàu chiến nào ở Biển Đen, bất kể chúng thuộc quốc gia nào.

Với mối quan hệ hiện tại giữa Nga và NATO, tình hình có thể gây mất ổn định đối với an ninh gần biên giới Nga. Hiện tại, giải pháp cho vấn đề này phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rõ ràng Ankara không quan tâm đến việc tạo thêm căng thẳng ở biên giới của mình", Bộ Quốc phòng Bulgaria Georgi Panayotov nhận định.

Theo các nguồn tin, việc tuần tra ở Biển Đen của các tàu chiến NATO sẽ được thực hiện liên tục, các tàu này có khả năng thường xuyên thay thế nhau để không vi phạm Công ước Montreux.

Được biết, NATO buộc phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch trên vì theo Công ước Montreux năm 1936, tàu hải quân của các quốc gia không có chủ quyền ven biển đều phải thông báo trước 15 ngày với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch đi qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles, khu vực kết nối Biển Đen và Địa Trung Hải.

Cũng theo Công ước Montreux, tàu thuyền của những quốc gia không có chủ quyền ven biển không thể lưu lại Biển Đen quá 21 ngày.

Trong môi trường tác chiến hiện đại, thời gian này đủ để NATO và các đồng minh thực hiện cả một chiến dịch tấn công phủ đầu một quốc gia.

Điều này dẫn đến việc Nga đặt vấn đề cần phải xem xét lại Công ước Montreux và phải có những sửa đổi để phù hợp hơn cho an ninh khu vực, hay cụ thể là ngăn chặn sự xuất hiện của NATO tại vùng biển mà gần như Nga có sức ảnh hưởng tuyệt đối này.

Trước đó, hôm 12/11, các tàu của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ gồm soái hạm USS Mount Whitney tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Porter đã tới cảng Constanta, Romania ở Biển Đen sau khi ghé thăm Batumi, Gruzia. Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Âu cho biết, các tàu này đang hoạt động cùng các đồng minh và đối tác NATO ở Biển Đen.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin dường như đe dọa các tàu chiến Mỹ khi nói rằng các lực lượng Nga có thể quan sát tàu USS Mount Whitney "qua ống nhòm hoặc trong tầm ngắm của hệ thống phòng thủ".

Bảy năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và trong bối cảnh căng thẳng đang dấy lên ở Đông Âu, Biển Đen vẫn là "điểm nóng" và có thể tiếp tục "tăng nhiệt".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại