NATO bàn về khả năng hiện diện quân sự lâu dài tại Đông Âu

Thu Hoài |

Các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 16/2 nhóm họp tại Brussels, Bỉ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất mà liên minh quân sự này phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.

Ảnh: NATO

Ảnh: NATO

Trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraine, cũng như những căng thẳng trong quan hệ với Nga, NATO thời gian qua không ngừng củng cố lực lượng và thậm chí còn cân nhắc triển khai quân sự lâu dài tại sườn phía Đông.

Theo một số nguồn tin, các bộ trưởng Quốc phòng NATO dự kiến ngay trong tuần này sẽ khởi động kế hoạch thành lập 4 nhóm tác chiến đa quốc gia, với khoảng 1.000 quân mỗi nhóm tới Bulgaria, Romania, Slovakia và Hungary nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào nhằm vào các quốc gia đồng minh.

Nếu được triển khai trên thực tế, một bước đi như vậy sẽ là sự thay đổi thế trận lực lượng lớn nhất của NATO kể từ khi tổ chức này thành lập các nhóm tác chiến hồi năm 2014 và đi ngược lại các yêu cầu an ninh của Moscow.

Cuộc họp diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Nga tuyên bố rút một số lực lượng gần biên giới với Nga, bước quan trọng đầu tiên hướng tới giảm leo thang căng thẳng sau nhiều tuần khủng hoảng. Tuy nhiên phương Tây lại đón nhận thông tin một cách thận trọng và không cho thấy ý định sẽ giảm bớt các sức ép tài chính với Nga.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg , không có dấu hiệu giảm leo thang trên thực tế dù việc Nga lựa chọn tiếp tục ngoại giao là một tín hiệu tích cực.

“Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự giảm leo thang nào trên thực địa hay dấu hiệu nào về sự giảm bớt sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới Ucraina. Việc Nga phát đi tín hiệu sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực ngoại giao đã mang lại một số lý do để lạc quan thận trọng, song chúng tôi sẽ theo dõi rất sát hành động của Nga”, ông Stoltenberg nói.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây xấu nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels và hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới được xem là câu trả lời cho câu hỏi suốt 15 năm qua của Nga về ý định của khối quân sự này khi không ngừng mở rộng sang những nước sát biên giới với Nga.

Vấn đề đã được Tổng thống Vladimir Putin đặt ra tại Hội nghị an ninh Munich năm 2007. Đối với Nga sau 20 năm không ngừng mở rộng về phía Đông của NATO, việc Ukraine tìm cách gia nhập NATO và những hỗ trợ của NATO với nước này chẳng khác nào một cuộc tấn công trực tiếp vào an ninh quốc gia.

“Hôm nay chúng tôi nghe nói rằng Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập NATO. Vậy liệu sau này Ukraine có được kết nạp khi họ đã sẵn sàng hay không?

Mọi chuyện nếu xảy ra có thể là quá muộn đối với chúng tôi và đó là lý do tại sao Nga muốn giải quyết vấn đề này ngay bây giờ thông qua đàm phán và bằng biện pháp hòa bình.

Đây là điểm khởi đầu và chúng tôi rất hy vọng rằng những quan ngại của Nga sẽ được các đối tác lắng nghe và xem xét một cách nghiêm túc”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh.

Trong gần 3 thập kỷ qua, quan hệ Nga-phương Tây không hề ít sóng gió, nhưng cũng không ít lần hai bên nhắc tới khả năng “tái cài đặt” quan hệ song phương. Bởi xét cho cùng, một cuộc đụng độ trực diện giữa hai quyền lực quân sự hàng đầu thế giới, với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí chỉ gây tổn hại cho chính các bên liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại