Vì sao NATO ưa thích năng lực quân sự của Thuỵ Điển?
Thụy Điển đang tiến gần đến việc xin gia nhập NATO, nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Thụy Điển nổi tiếng là một quốc gia trung lập về quân sự trong nhiều thập kỷ. Theo tờ 1945, các thành viên liên minh NATO sẽ chào đón thành viên mới vì quốc gia Bắc Âu có nền tảng công nghiệp quân sự đáng nể, sản xuất các hệ thống vũ khí như máy bay chiến đấu phổ biến trên thị trường xuất khẩu.
Công nghệ quốc phòng của Thụy Điển được Mỹ để mắt và tài trợ cho nhiều dự án trong những năm qua. Mỹ tài trợ hơn 80 dự án, trong đó có 30 dự án đã tiến đến hợp tác với Lầu Năm Góc.
Bryant Streett, giám đốc công nghệ nghiên cứu và kỹ thuật tại Lầu Năm Góc, nói với Fedscoop rằng: "Thụy Điển đã làm rất tốt trong những năm qua bởi vì họ có những công nghệ quốc phòng thực sự đỉnh cao, trong nhiều lĩnh vực còn tốt hơn chúng tôi hiện tại".
Thụy Điển hoàn toàn có khả năng chuyển giao nguồn lực phát triển công nghệ quốc phòng và các nền tảng quân sự cây nhà lá vườn cho NATO.
Quân đội Thụy Điển có quy mô nhỏ, gần tương tự quy mô của Phần Lan. Nước này có 16.000 quân nhân nghĩa vụ, cùng với 22.000 lính bán quân sự Phòng vệ Quốc gia.
Theo GlobalFirePower.com , Thụy Điển chỉ có 121 xe tăng và 48 tổ hợp lựu pháo tự hành trong quân đội. Hải quân chỉ có 7 tàu hộ tống, 5 tàu ngầm, 161 tàu tuần tra và 9 tàu ứng phó mìn. Lực lượng không quân có tổng số 204 máy bay với 71 máy bay chiến đấu, 6 máy bay vận tải, một máy bay tiếp dầu và 53 máy bay trực thăng.
Người Thụy Điển nổi tiếng với máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen có thể đánh chặn máy bay đối phương và tấn công các mục tiêu mặt đất một cách điêu luyện. Các tàu ngầm diesel-điện lớp Gotland nhỏ nhưng cực kỳ tĩnh lặng và có vẻ ngoài đẹp.
Tuy nhiên, Thụy Điển chỉ dành 1,2% GDP cho quốc phòng. Từ năm 2010 đến năm 2020, chi tiêu quốc phòng luôn duy trì ở mức khoảng 1% đến 1,2% GDP.
Gần đây, khi tình hình thay đổi, Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Olofsdotter nói với Insider ngày 11/5 rằng quân đội sẽ trở thành ưu tiên cao hơn.
Olofsdotter cho biết: "Chúng tôi vừa đưa ra quyết định tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 2% GDP".
Tăng cường đầu tư
2% chi tiêu GDP sẽ giúp Thụy Điển phù hợp với các mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO. Nhưng đất nước Scandinavia sẽ không đạt được mục tiêu 2% đó cho đến năm 2028.
Các hoạt động mua sắm quốc phòng chủ yếu thường đến từ Mỹ, với thương vụ gần đây là hệ thống tên lửa Patriot. Thụy Điển cũng chú tâm vào chuyên môn hóa quân đội theo các lĩnh vực vượt trội như phòng thủ mạng và chiến tranh tâm lý.
Theo dữ liệu thăm dò từ Demoskop và báo Aftonbladet, dư luận Thuỵ Điển cũng đang thay đổi về quan điểm gia nhập NATO, với đa số 57% hiện ủng hộ tư cách thành viên NATO.
Đây là con số kỷ lục về số người ủng hộ việc tham gia liên minh. Thậm chí nhiều người Thụy Điển sẽ chấp thuận nếu Phần Lan tham gia, điều được cho là ngày càng có vẻ khả thi.
Tuy nhiên, nhiều khả năng người Thụy Điển sẽ không ủng hộ các quyết định triển khai quân sự có thể khiến nước này gặp rủi ro, dẫu cho các thảo luận về gia nhập NATO ngày càng sôi nổi.
Người Thụy Điển đã trung lập từ lâu nên việc chuyển hướng sang một tư thế tăng cường hơn sẽ đi ngược lại văn hóa chính trị nước này. Có thể sẽ có một cuộc tranh luận căng thẳng trong quốc hội Thụy Điển về khả năng gia nhập NATO.
Một khi trở thành thành viên liên minh, lực lượng phòng thủ Thụy Điển có thể chuyên sâu vào một số điểm mạnh nhất định như cung cấp phi công và máy bay chiến đấu.
Lực lượng trên bộ của đất nước đang ở thế yếu và sẽ cần đầu tư nhiều hơn. Quân đội cần thêm xe tăng và pháo binh. Số lượng tàu hải quân thấp. Hải quân Thụy Điển có thể đầu tư vào các tên lửa chống hạm phóng từ đất liền.
Thụy Điển có công nghệ quốc phòng cho phép họ trở thành một đối tác tốt của NATO.