Cội nguồn Chương trình
Nam Phi tìm kiếm vũ khí hạt nhân vì những lý do quen thuộc - mặc dù có ưu thế về vũ khí thông thường trước bất kỳ đối thủ nào trong khu vực, Pretoria lo lắng lợi thế có thể bị mai một theo thời gian.
Sau sự sụp đổ của đế chế Bồ Đào Nha ở châu Phi vào năm 1975, trung tâm công nghiệp của Nam Phi dễ bị tấn công bằng đường không bởi các đồng minh mới của Liên Xô trong khu vực. Chính phủ Nam Phi cũng ý thức được rằng, chế độ phân biệt chủng tộc của nước này có thể ngăn cản các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ) viện trợ cho họ trong bất kỳ cuộc đối đầu nào chống lại Liên Xô hoặc các đồng minh của cường quốc này.
Việc xây dựng lực lượng Cuba tại Angola từ năm 1975 trở đi đã củng cố nhận thức rằng cần phải có biện pháp ngăn chặn, cũng như sự cô lập quốc tế ngày càng tăng của Nam Phi và thực tế là nước này không thể dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài trong trường hợp bị tấn công.
Vũ khí hạt nhân sẽ không chỉ để trực tiếp đối đầu với một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nam Phi, mà còn là một phương tiện để tận dụng sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự của phương Tây trong một cuộc khủng hoảng.
Nam Phi có thể khai thác lượng uranium cần thiết trên lãnh thổ của mình và làm giàu nó tại các cơ sở trong nước.
Với nền công nghiệp hiện đại và khả năng tiếp cận các cơ sở học tập và nghiên cứu công nghệ phức tạp ở Mỹ và châu Âu, Nam Phi có thể dễ dàng phát triển chuyên môn kỹ thuật cần thiết để chế tạo vũ khí. Pretoria đã chế tạo sáu vũ khí hạt nhân tương tự như bom Little Boy được Mỹ thả xuống Hiroshima.
Các thiết bị nổ hạt nhân này quá lớn để có thể mang bởi tên lửa Nam Phi hiện có, và do đó, sẽ được sử dụng từ các máy bay ném bom như English Electric Canberra hoặc Blackburn Buccaneer.
Nam Phi đã tính đến khả năng chế tạo hoặc mua các tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân, mặc dù điều này đòi hỏi phải nâng cấp đáng kể các thiết bị. Chưa có cuộc thử nghiệm đầy đủ nào về các thiết bị này, vì áp lực lớn từ Mỹ, Liên Xô và Pháp đã buộc Pretoria hủy bỏ một vụ nổ dưới lòng đất vào năm 1977.
Sự giúp đỡ từ nước ngoài
Các quốc gia thường không công khai về những đóng góp của họ trong việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Với Nam Phi, vì bản chất của chế độ, hỗ trợ công khai càng bị coi nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn nghi ngờ có ít nhất bốn quốc gia đã hỗ trợ chương trình hạt nhân của Nam Phi.
Mỹ đã cung cấp phần lớn công nghệ ban đầu liên quan đến chương trình hạt nhân dân sự của Nam Phi theo nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau, mặc dù không nhằm mục đích tăng tốc phổ biến vũ khí hạt nhân, sự hỗ trợ đã tạo cơ sở cho chương trình hạt nhân cuối cùng của Nam Phi.
Pháp và Pakistan cũng có thể đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tại nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình thực hiện chương trình.