Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2°C so với trước khi con người bắt đầu gây ra biến đổi khí hậu. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn ít nhất 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (năm 1850-1900).
Từ năm 1850 đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận vẫn là năm 2016, thời điểm xảy ra hiện tượng El Niño ở Thái Bình Dương, đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức đỉnh.
Người đàn ông giải nhiệt tại đài phun nước Barcaccia ở Rome vào ngày 27-6, trong đợt nắng nóng ở Ý Ảnh: REUTERS
Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu phòng dự báo thời tiết dài hạn của Văn phòng MET, cho biết: "Nếu không có hiện tượng El Niño trước đó làm tăng nhiệt độ toàn cầu, thì năm 2023 có thể không phải là một năm nóng kỷ lục. Thế nhưng, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng nhanh chóng, dẫn đến khả năng năm tới tiếp tục sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục".
Tiến sĩ Nick Dunstone thuộc Văn phòng MET giải thích: "Nhiệt độ toàn cầu trong 3 năm qua đã bị ảnh hưởng bởi tác động kéo dài của La Nina - hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở Thái Bình Dương lạnh đi khác thường".
Tuy nhiên, theo ông Dunstone, La Nina sẽ kết thúc trong năm 2023, khiến thời tiết tương đối ấm hơn ở các vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, dẫn đến nhiệt độ toàn cầu năm sau ấm hơn so với năm nay.
Theo tờ The Guardian, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm nay được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Dữ liệu trong năm tính đến tháng 10 vừa qua cho thấy nhiệt độ cao hơn khoảng 1,16 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.