Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow hôm 1/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu tên 3 thành phố có thể bị "vùi dưới chân sóng" nếu không hành động nào được thực hiện để ngăn nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng tới 4 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
“4 độ C, và chúng ta sẽ phải nói lời tạm biệt với toàn bộ các thành phố, gồm Miami, Alexandria và Thượng Hải, tất cả đều sẽ chìm trong sóng biển”, Johnson cảnh báo. "Chúng ta trì hoãn không hành động càng lâu, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, và cái giá phải trả sẽ càng cao khi chúng ta bị thảm họa buộc phải hành động".
Đồng thời, Thủ tướng Anh thúc giục rằng COP26 phải đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc của biến đổi khí hậu.
“Nếu chỉ cần các hội nghị thượng đỉnh là giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, thì chúng ta đã không cần đến 25 hội nghị thượng đỉnh COP trước đó để đạt được vị trí như ngày hôm nay”, Johnson nói. “Dù COP26 không phải là dấu chấm hết cho biến đổi khí hậu, nó có thể và cần phải đánh dấu điểm khởi đầu của sự kết thúc này”.
Thỏa thuận chung Paris năm 2015 ghi nhận 196 quốc gia đưa ra cam kết ràng buộc về mặt pháp lý về hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia phải thực hiện các hành động khí hậu ngày càng tham vọng - được sửa đổi theo chu kỳ 5 năm một lần - được gọi là đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Các quốc gia dự kiến sẽ đệ trình NDC của họ tại hội nghị năm 2020. Nhưng vì sự chậm trễ do đại dịch Covid-19 gây ra, các NDC đó hiện cần được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26 hôm 1/11/2021 tại Glasgow. Ảnh: BBC
Thỏa thuận chung Paris cam kết giữ mức ấm lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C bởi vì, mặc dù sự gia tăng nhiệt độ này sẽ có một số tác động, nhưng nó sẽ giúp chúng ta tránh được những tác động thảm khốc mà mức tăng 2 độ C có thể gây ra. Nếu tăng thêm 2 độ C, 1/3 dân số thế giới sẽ phải "thường xuyên" tiếp xúc với nắng nóng gay gắt, làm gia tăng số ca tử vong do nắng nóng và gia tăng một số vấn đề sức khỏe .
Sự gia tăng 2 độ C cũng sẽ là một thảm họa đối với thế giới tự nhiên của chúng ta. Hầu hết tất cả các rạn san hô nước ấm – có vai trò như môi trường sống của nhiều loài và giúp giảm nhẹ sức tàn phá của các cơn bão – sẽ bị phá hủy.
Việc băng ở biển Bắc Cực sẽ tan chảy hoàn toàn trong ít nhất một mùa hè mỗi thập kỷ, và sự tan chảy không thể vãn hồi của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực có thể khiến mực nước biển tăng vài mét trong vài thế kỷ tới.
Điều này sẽ có tác động rất lớn đến cả thế giới động vật hoang dã và cộng đồng loài người.
Và, thật không dám tưởng tượng hậu quả sẽ như thế nào nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng tới ngưỡng 4 độ C.
Với những hành động mang tính quyết định, thế giới có thể tránh được thảm họa do việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C gây ra, và duy trì mức tăng dưới 2 độ C.
Theo Green Facts, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có những con đường phát thải khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế để đạt được điều này.
Do đó, mức độ tác động mà các nước đang phát triển và phần còn lại của thế giới phải trải qua sẽ là kết quả của các quyết định và lựa chọn của chính các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự về biến đổi khí hậu.