Ân nghĩa người xưa và chuyện học ở Sơn Đồng

Trần Hòa |

Không chỉ là làng học - làng khoa bảng nổi tiếng, Sơn Đồng còn để lại những giai thoại thật đẹp về cách ứng xử của người xưa.

Xã Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với nghề làm tượng cổ truyền. Nơi ấy - mảnh đất mang trong mình một nền văn hiến huy hoàng với chuyện võ - chuyện văn - chuyện học của nhiều nhà khoa bảng nức tiếng trong lịch sử.

Làng đội mũ quan

Theo các nhà nghiên cứu, làng Sơn Đồng bắt đầu là hai xóm Thượng Gạch có từ thời Hai Bà Trưng. Đến triều đại nhà Đinh và nhà tiền Lê, nơi này có hai vị tướng từng tham gia đánh dẹp 12 sứ quân giúp vua thống nhất sơn hà: Vương Thanh Cao và Đào Trực.

Ở Sơn Đồng hiện còn chiếc cổng làng được xây dựng từ thế kỷ 17 khá đặc biệt. Trên nóc cổng đắp hình chiếc mũ của quan văn - ghi ba chữ “quan miện lý” (nghĩa là Làng đội mũ quan), và đôi câu đối “Khanh sĩ đa do thử/ Tư dân trực vi hành” (nghĩa là các khanh sĩ từ đây mà ra giúp nước/ Người dân cứ thẳng đường mà tiến).

Theo cuốn “Danh nhân Đại khoa huyện Hoài Đức”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành - thì trong hơn 6 thế kỷ, từ năm 1246 (nhà Trần) đến năm 1889 (nhà Nguyễn) ở Sơn Đồng đã có 9 vị đỗ tiến sĩ qua các kỳ thi, trong đó 8 người đỗ chính khoa, 1 người đỗ ân khoa. Nhiều người được bổ các chức sắc quan trọng, được phong tước cao trong các triều đình phong kiến.

Có thể qua một số nhà khoa bảng tiêu biểu của Sơn Đồng, như: Thám hoa Vương Hữu Phùng, tiến sĩ Hoàng Nhân Bản, Hoàng giáp Nguyễn Hữu Phu, tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng, Hoàng giáp Đình nguyên Nguyễn Viết Thứ, tiến sĩ Nguyễn Trí Cung và Nguyễn Trí Vị…

Sơn Đồng cũng là nơi giữ được tương đối trọn vẹn các di tích gắn liền với sự học của làng. Địa phương có 2 thôn là Nội và Ngoại, cách nhau bởi con đường chạy trước cổng đình. Hai thôn chung một đình và đến nay thì không còn chia thôn nữa, người dân còn thường gọi đình là đền Hát.

Đình được dựng trên thế đất như trán của con rồng. Xưa kia đình nhỏ, qua quá trình tu sửa đã rộng lớn hơn. Đình nhìn theo hướng Tây Nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Cổng đình có treo biển đề chữ Hán “Thánh hậu vương từ”.

Cổng được làm theo kiểu có mái che, với ba gian, bộ vì khung gỗ, trên các kèo có ván dong, kết cấu đơn giản song dấu vết về năm dựng còn được ghi trên thượng lương vào năm Bính Tuất 1826.

Ân nghĩa người xưa và chuyện học ở Sơn Đồng - Ảnh 1.

Làng Sơn Đồng nổi tiếng với nghề tạc tượng.

Anh em cùng đỗ đại khoa

Trong số 9 vị đại khoa của Sơn Đồng, tiến sĩ Nguyễn Trí Vị nổi tiếng hơn cả bởi cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với Quốc Tử Giám và hoạt động giáo dục đương thời.

Theo gia phả, từ nhỏ Nguyễn Trí Vị đã rất chăm chỉ học, ông cùng với người anh họ là Nguyễn Trí Cung thi đua học giỏi. Mùa xuân năm Quý Mùi, niên hiệu Chính Hòa (1703) triều đình mở khoa thi, Nguyễn Trí Cung tham dự kỳ thi và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được làm lễ vinh quy bái tổ rất long trọng.

Đây là sự kiện khiến Nguyễn Trí Vị ngày đêm ra sức dùi mài kinh sử. Năm sau, ông đi thi Hương và đỗ Tú tài, được cử làm Tri huyện Thiên Bản (thuộc Nam Định ngày nay). Vẫn chưa đạt được mục tiêu, nên ông quyết chí tiếp tục sôi kinh nấu sử. Học tài, thi phận, khoa thi năm 1710, ông vẫn chỉ đỗ Tú tài.

Hai lần thi không đỗ cao nhưng ông không những không nản chí mà quyết tâm càng cao hơn, dồn sức cho học tập càng nhiều hơn. Đến năm Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 đời Lê Dụ Tông (1712) triều đình mở khoa thi. Nguyễn Trí Vị tham dự và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Họ tên, quê quán của ông được khắc trên bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Ân nghĩa người xưa và chuyện học ở Sơn Đồng - Ảnh 3.

Cổng nhà thờ Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Trí Vị.

Ngay năm đó, ông được vua sắc phong khen ngợi vì đã đỗ đạt, đồng thời cử ông làm Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, với chức trách giữ việc giám sát bách liêu, tuần án quận huyện, cứu thị hình ngục, chỉnh đốn triều nghi ở địa phương.

Năm 1714, ông được thăng chức Hiến sát sứ tỉnh Thái Nguyên, hàm chánh lục phẩm. Hiến sát sứ là chức quan đứng đầu của Hiến sát sứ ty, chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện chức trách của Hiến sát sứ ty: Đàn hặc, khám đoán, xét hỏi, hội đồng kiểm soát, khảo khóa, tuần hành.

Là vị quan tài năng lại tận tụy cẩn trọng, ông được triều đình đánh giá cao nên sau đó ông được triệu về kinh, sung làm Hàn lâm viện Đãi chế, chuyên việc hiệu đính văn thư, từ mệnh, lệnh chỉ, sắc phong…

Khoảng đầu năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1737), ông được sắc phong giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, chức quan đứng đầu trường Quốc học - một trong những chức quan quan trọng đối với nền giáo dục, đào tạo nhân tài. Trên cương vị mới, Nguyễn Trí Vị tổ chức đánh giá sự tiến bộ trong học thuật của học trò để triều đình cất nhắc và bổ dụng.

Nguyễn Trí Vị luôn có ý thức góp sức xây dựng quê hương, khích lệ chí khí hậu sinh. Ông là người góp phần quan trọng trong việc xây dựng Văn miếu Đan Phượng, là người soạn bài ký cho bia “Văn miếu Đan Phượng huyện bút ký” đặt tại Văn miếu Đan Phượng.

Nguyễn Trí Vị đã hoàn thành chức trách của một vị Tế tửu, góp phần củng cố, phát triển nền giáo dục nước nhà, được triều đình đánh giá là người có tâm thuật, hành sự cung kính trung cần.

Năm 1743 Nguyễn Trí Vị qua đời, hưởng thọ 74 tuổi. Nhà vua hay tin đã phong tặng ông là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Công bộ Hữu thị lang Đan Sơn bá, và ban cho 500 quan tiền để làm ma chay, 200 quan cho con cháu dùng vào việc thờ cúng hàng năm.

Ân nghĩa người xưa và chuyện học ở Sơn Đồng - Ảnh 4.

Sơn Đồng còn giữ khá trọn vẹn các di tích liên quan đến sự học xưa.

Ân nghĩa người xưa

Ngày nay về Sơn Đồng vẫn được nghe câu chuyện về ngôi nhà “nhất dạ tất thành” làm trong một đêm. Đây là chuyện có thật, nói lên lòng biết ơn, tình nghĩa của những con người thanh liêm dù ở chức cao vọng trọng.

Chuyện được kể thế này: Cụ Nguyễn Viết Thứ người làng Sơn Đồng bấy giờ đang giữ chức Hình bộ thượng thư, Tham tụng, Tể tướng của phủ Chúa (thời Lê - Trịnh) thì có một chuyện xảy ra ở thôn Đông Lao cũng ở huyện Hoài Đức cách Sơn Đồng không xa có ông Nguyễn Công Triều làm quan Trấn phủ xứ Sơn Tây.

Vì muốn giúp quê xây dựng đền, chùa, nên khi vâng lệnh vua đi đắp đê ở khu vực Sơn Tây, ông Triều có mượn con voi của triều đình, tranh thủ về kéo gỗ, giậm nền nhà. Chẳng may con voi bị chết.

Theo luật triều đình bấy giờ, muốn thoát tội thì phải đền, bằng cách làm con voi bằng tre to đúng bằng con voi thật, đổ đầy tiền vàng vào đấy nộp cho triều đình thì thoát tội, bằng không thì bị xử rất nặng. Thực tế toàn bộ gia sản của ông Nguyễn Công Triều bấy giờ có đổ vào cũng không đủ cho bốn cái chân voi.

Bí quá ông Nguyễn Công Triều tìm đến Tể tướng Nguyễn Viết Thứ cầu cứu. Cụ Nguyễn Viết Thứ rất ái ngại, vì nể tình ông Nguyễn Công Triều về tuổi tác, lại là đồng hương nên nhận lời tìm cách giúp đỡ.

Cụ Thứ vốn gần gũi với chúa Trịnh Căn, rảnh rỗi chúa lại mời cụ đánh cờ. Một lần hai người chơi cờ, cụ Thứ giả thua liền ba ván. Thấy vậy chúa Trịnh Căn hỏi: “Sao khanh hôm nay lại đánh cờ như vậy?”. Cụ Thứ nói: “Thần đang có một việc khó xử”. Chúa hỏi: “Chuyện gì thì cứ nói ra”.

Bấy giờ cụ Thứ mới bảo: “Có anh nông dân đi cày thuê, hôm dắt con trâu của chủ đi cày không may bị gió, trâu chết, nhà chủ lại bắt đền con trâu, thấy tội quá”.

Chúa nghe thì bảo: “Nó nghèo thế thì lấy gì mà đền, thôi cứ giải hòa, không phải đền”. Lúc đó cụ Thứ liền quay sang hỏi chúa: “Dạ, thế việc của Nguyễn Công Triều, ý chúa thế nào ạ?”. Chúa nghe rồi cười, bảo: “Thôi không bắt đền nữa”. Thế là Nguyễn Công Triều thoát tội.

Ân nghĩa người xưa và chuyện học ở Sơn Đồng - Ảnh 6.

Ngôi nhà “nhất dạ tất thành” do Đô đốc Nguyễn Công Triều xây tặng cụ Nguyễn Viết Thứ.

Nghe tin nhờ cụ Thứ nói đỡ mà mình thoát tội, một lần biết cụ Thứ về quê, ông Nguyễn Công Triều mang theo vàng bạc đến xin gặp để trả ơn. Lúc ông Nguyễn Công Triều đến thì trời vừa chập tối, cụ Thứ đón tiếp niềm nở nhưng nhất quyết không nhận những thứ ông Triều mang đến.

Biết không thể lay chuyển được cụ Thứ, ông Triều nhìn quanh ngôi nhà rồi nói: “Tổ tiên là tổ tiên chung, mà quan lớn ở ngôi nhà xuềnh xoàng thế này, cho tôi làm một cái nhà để thờ tổ tiên”. Cụ Thứ không muốn nhận, nên nói thách là nếu làm xong trong một đêm thì nhận, vì cụ nghĩ không thể làm được ngôi nhà trong một đêm.

Nghe vậy Nguyễn Công Triều lập tức xin phép ra về, ngay trong đêm huy động hàng trăm người, chia làm nhiều tốp, tốp đắp nền nhà, tốp xây tường gạch, tốp dỡ hậu cung của ngôi nhà mới dựng nhưng chưa lợp, vận chuyển lên Sơn Đồng rồi lắp ráp và dựng lại trên nền mới…

Đến khoảng 4 giờ sáng thì ngôi nhà 5 gian, 2 chái dài 18m đã hoàn thành. Chính cụ Thứ cũng kinh ngạc, vì ngôi nhà chỉ làm trong một đêm. Trải qua mấy trăm năm, ngôi nhà vẫn còn vững chắc, nguyên vẹn đến ngày hôm nay.

Theo những hậu duệ của dòng họ Nguyễn tại đây cho biết, ngôi nhà trên tuy được Đô đốc Nguyễn Công Triều xây tặng nhưng sau này cụ Nguyễn Viết Thứ đã cho một người cháu ở và dựng một ngôi nhà khác làm nơi thờ tự. Ngôi nhà trải qua khá nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được phần khung chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại