Theo báo EurAsian Times của Ấn Độ, điều này cho thấy Mỹ không tự tin về khả năng tàng hình của F-35 trước S-300. “Việc Mỹ gọi F-35 là một máy bay tàng hình không có nghĩa là nó có thể tàng hình thực sự.
Không phải tự nhiên mà Lầu Năm Góc gần đây đã bất ngờ tuyên bố thử nghiệm bổ sung đối với F-35. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Mỹ không tin vào khả năng của F-35 trước hệ thống phòng không S-300”, báo này cho biết.
Cũng theo EurAsian Times, F-35 được phát triển với mục tiêu qua mặt hệ thống S-300 của Nga. Ngay khi Iran bắt đầu đàm phán với Nga về việc mua S-300, Israel được cho là đã trả một khoản tài chính lớn cho Hy Lạp để có thể tiếp cận hệ thống này và nghiên cứu hoạt động của nó.
Mỹ cũng mua một vài linh kiện của S-300 thông qua Belarus. Tuy nhiên, hệ thống S-300 mà người Mỹ có được “đã được đưa vào sử dụng vào năm 1978 và sự khác biệt giữa phiên bản này và phiên bản ngày nay là rất lớn”, báo này nói.
Nói về việc cung cấp S-300 cho Syria, EurAsian Times kết luận rằng nó sẽ “nâng cao đáng kể khả năng phòng không của Syria nhưng chỉ ở một khu vực nhất định, bởi sẽ chỉ có 4 hệ thống này được cung cấp. Trong khi đó, không quân Israel rất mạnh và có thể đối phó với hệ thống này, tuy nhiên nguy cơ tổn thất sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây”.
Israel sẽ được sở hữu tổng cộng 50 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, và sau khi được nâng cấp chúng sẽ mang tên F-35I Adir. Hiện tại Israel đang có 8 máy bay loại này.
Phiên bản S-300 mà Nga cung cấp cho Syria được cho là có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình ở khoảng cách tối đa 200km. Nga quyết định cung cấp thêm S-300 cho Syria để bảo vệ các quân nhân Nga đang làm nhiệm vụ ở quốc gia đang có nội chiến này, sau khi một phi cơ do thám của Nga đã bị bắn rơi gần Latakia khi Israel tiến hành không kích Syria.