Tại sao Mỹ lại tạm dừng đóng mới các tàu ngầm
Bất chấp những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng cường thêm sức mạnh Hải quân Hoa Kỳ bằng việc tăng số lượng lên tới con số 355 tàu chiến và tàu ngầm.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng đã cấp một phần ngân sách kỷ lục cho hoạt động này, tuy nhiên thực tế việc thực hiện những cam kết này cho thấy kết quả hoàn toàn khác.
Vấn đề đưa hạm đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và trang bị các khí tài mới lại bị ảnh hưởng bởi những thay đổi thường xuyên của kế hoạch đại tu các tàu chiến và tàu ngầm cũ.
Việc đóng mới và đại tu các tàu ngầm nguyên tử ở Mỹ được thực hiện tại cùng các xưởng sản xuất của General Dynamics Electric Boat và Huntington Ingalls Newport News.
Hoạt động bảo dưỡng kỹ thuật những lò phản ứng của tàu ngầm nguyên tử được tiến hành tại các căn cứ ở Norfolk (Virginia), Portsmouth (New Hampshire) và Pearl-Harbour (Hawaii).
Căn cứ hải quân Norfolk, Virginia.
Đồng thời các căn cứ này cũng là nơi bảo dưỡng các lò phản ứng của những tàu sân bay nguyên tử.
Mọi sự chậm trễ trong quá trình bảo dưỡng một con tàu đều sẽ dẫn tới việc phải thay đổi thời gian được đáp ứng cho các con tàu khác.
Vào năm 2017, The Government Accountability Office (Kiểm toán Mỹ) đã lên tiếng báo động, khi công bố bản báo cáo về hiện trạng hạm đội hải quân Mỹ, mà trong đó có đề cập:
"Công suất tại các ụ cạn của những nhà máy đóng tàu không phù hợp với các nhu cầu của những chiến dịch quân sự trong tương lai”.
Liên quan tới hoạt động bảo dưỡng kỹ thuật, báo cáo đã chỉ ra rằng trong số 218 dịch vụ bảo dưỡng, các nhà máy đóng tàu không có khả năng thực hiện 73 dịch vụ kỹ thuật ở hiện tại, mà phải dời kế hoạch tới tận năm 2040.
Theo ý kiến của Kiểm toán Mỹ, điều này có thể tác động tiêu cực tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của tất cả các Tàu sân bay và 50 Tàu ngầm nguyên tử của Hải quân Mỹ.
“Kịch bản” tiêu cực đối với các tàu sân bay Mỹ đã được khẳng định vào năm 2018 về chỉ số “khả năng sẵn sàng hoạt động”. Đó là tỷ lệ có thể sẵn sàng tham gia vào các chiến dịch quân sự trên số lượng trong trang bị.
Chỉ số "khả năng sẵn sàng hoạt động" chỉ tương đương 15% (chỉ số thấp nhất trong suốt bề dày lịch sử tàu sân bay của Mỹ).
Có nghĩa là trong số 11 Tàu sân bay của Mỹ chỉ có 1,5 tàu sân bay có thể tham gia vào các chiến dịch quân sự, tương đương 1 tàu với 100% và 1 tàu với 50% khả năng chiến đấu.
Như chúng ta đã biết, Tàu sân bay với 100% khả năng chiến đấu này là USS Harry Truman (CVN-75), mà năm 2018 đã tham gia tất cả các cuộc tập trận và chiến dịch của hải quân.
Máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75).
Trên thực tế, mọi thứ đang lộn xộn trong công tác kế hoạch và do lỗi của Nga?
Tàu ngầm nguyên tử chỉ đứng sau tàu sân bay là niềm tự hào của Hải quân Mỹ.
Việc xuất hiện trong biên chế Hạm đội hải quân Nga các tàu ngầm nguyên tử đề án 885 và 885М đã khiến người Mỹ phải đẩy nhanh công tác nâng cấp các tàu ngầm lớp Virginia lên thành VPM (Block 5).
Phiên bản nâng cấp này là kế hoạch của giai đoạn sau năm 2025 và dự kiến bổ sung thêm một khoang nữa để tăng số lượng ống phóng các tên lửa hành trình Tomahawk từ 12 lên thành 40 quả.
Tàu ngầm nguyên tử đề án 885 của Nga (Nguồn RIA Novosti).
Việc nâng cấp thân vỏ của các tàu ngầm lớp Virginia không theo kế hoạch không chỉ khiến cho thời hạn hạ thuỷ chúng phải lùi lại 2-3 năm, mà còn ảnh hưởng tới việc khởi động chương trình đóng mới tàu ngầm nguyên tử lớp Columbia với thời điểm ra khơi lùi tới năm 2035.
Ngoài ra, kế hoạch đại tu các tàu ngầm hiện có đang neo đậu tại các xưởng đóng tàu của General Dynamics Electric Boat và Huntington Ingalls Newport News cũng tác động tới công tác triển khai lắp ráp thân tàu ngầm nguyên tử đầu tiên thuộc lớp USS Columbia.
Đương nhiên, sự hỗn loạn này cũng bị tác động bởi những vấn đề tài chính, mà bị giới hạn nghiêm ngặt bằng ngân sách cho từng năm.
Ban lãnh đạo các xưởng đóng tàu đã phải lựa chọn trong số 3 nhiệm vụ tu sửa, nâng cấp các tàu ngầm lớp Virginia và khởi động chương trình tàu ngầm USS Columbia - thứ gì đó ít chịu “tổn thương” nhất.
Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch mua 12 tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia với chi phí xấp xỉ 7,2 tỷ USD để thay thế tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio.
Và người ta đã quyết định, dừng hoạt động đại tu định kỳ một cách lặng lẽ.
Và điều này bất chấp cả việc hồi năm 2014, cựu lãnh đạo Bộ tư lệnh Các hệ thống hải quân (Naval Sea Systems Command) Mỹ, phó đô đốc William Hilaridis đã nói rằng công tác bảo dưỡng và sửa chữa các tàu ngầm “ Đang đi vòng tròn”, mà không mang lại kết quả.
The Government Accountability Office (Kiểm toán Mỹ) đã tiến hành phân tích thiệt hại về thời gian, mà các tàu chiến và tàu ngầm tấn công phải chịu do công tác bảo dưỡng không chất lượng giai đoạn từ 2008 đến 2018.
Tổng số thời gian phải nằm xưởng của chúng là 10363 ngày, điều này đã khiến chỉ số “khả năng sẵn sàng hoạt động” của các tàu chiến trong Hải quân Mỹ trong thời gian này giảm.
Những lý do khiến chất lượng bảo dưỡng không tốt là các hạng mục đầu tư giảm, thiếu hụt các chuyên gia có tay nghề (năm 2018, có khoảng 2000 vị trí cần tuyển dụng) và thiếu chi phí đào tạo số lượng chuyên gia cần thiết trong Chương trình bảo dưỡng kỹ thuật thời hạn 30 năm.
Trong trường hợp xuất hiện khó khăn về kỹ thuật, mà hiện đang diễn ra trong lĩnh vực đóng tàu, sự đầu tư bổ sung này đã có thể giúp cho các xưởng đóng tàu không phải tạm dừng hoạt động tu sửa và bảo dưỡng vì những ưu tiên của Bộ tư lệnh hải quân Mỹ thay đổi.
Mỹ có thể tái thiết lập trật tự trong các chương trình đóng và bảo dưỡng hạm đội hay không, đương nhiên, phụ thuộc không chỉ vào thời gian và tiền bạc, mà cả vào lực lượng nhân sự có trình độ.
Yếu tố cuối cùng thực sự đang thiếu ở Mỹ là các sinh viên tốt nghiệp Harvard và Yale không muốn cầm búa và kìm.
Cho nên, tuyên bố về 355 tàu chiến và tàu ngầm mới và được nâng cấp đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump ngày càng giống một chiến dịch tuyên truyền với nỗ lực che dấu những khó khăn về kỹ thuật trong các chương trình phát triển của Hải quân Mỹ.
Tàu ngầm USS West Virginia bắn thử tên lửa Trident II.