Theo thông báo từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19-4, gói hỗ trợ này bao gồm nhiều đạn dược hơn cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), cùng các hệ thống chống thiết giáp, vũ khí nhỏ, phương tiện hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ bảo trì cần thiết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh khoản viện trợ này sẽ giúp lực lượng phòng thủ của Ukraine trên chiến trường củng cố sức mạnh.
Ông Blinken nói thêm: "Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine ngay trong hôm nay. Cho đến khi Nga làm điều đó, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đoàn kết và hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết gói viện trợ quân sự mới "là một phần trong nỗ lực không ngừng từ phía Mỹ nhằm giúp Ukraine tự bảo vệ mình" trước cuộc chiến dịch quân sự của Nga.
Ukraine đang chuẩn bị phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía Nam và phía Đông.
Theo đài RT, đây là gói viện trợ thứ 36 Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022. Kể từ thời điểm đó đến nay, tổng viện trợ quân sự của Mỹ dành cho chính quyền Kiev đã lên hơn 35,4 tỉ USD.
Một số ý kiến cho rằng nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine đang làm cạn kiệt kho vũ khí ở Mỹ và châu Âu.
Tờ Wall Street Journal ngày 18-4 đưa tin các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đang vật lộn để có đủ động cơ để chế tạo tên lửa cho Ukraine. Theo các tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ gần đây, tình trạng thiếu đạn dược có thể cản trở cuộc phản công mùa xuân của Ukraine.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Lockheed Martin
Giới chức Nga cũng cảnh báo với việc trang bị vũ khí cho Ukraine, các quốc gia phương Tây đang tự biến họ thành một bên trong cuộc xung đột.
Đầu tháng 4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh các gói vũ khí của phương Tây đến Kiev "không thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch đặc biệt".
Mỹ loan tin về khoản viện trợ quân sự mới giữa lúc Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Thụy Điển, khiến ông trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên trong hơn 20 năm tới thăm đất nước này.
Ông sẽ tới Đức để tham dự cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine để thảo luận về những gì phương Tây có thể hỗ trợ cho Kiev.
Theo tờ Politico, hai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ và Đức đã đến Ukraine hôm 19-4, sau khi một nhóm lực lượng phòng không Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng.