"Chúng tôi quan ngại về thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, đây là vấn đề lớn", Sputnik dẫn lời ông Bolton cho biết.
Khi được hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ là "bạn hay thù" với Mỹ, cố vấn hàng đầu về chính sách ngoại giao của ông Trump đã liệt kê hàng loạt những vấn đề bất đồng làm ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Thổ.
"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh của Mỹ trong khối NATO và chúng tôi đang cố gắng hợp tác với họ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với những người bạn thân thiết của Mỹ ở Israel.
Đây là điều khiến Mỹ phải cân nhắc. Những vấn đề bất đồng về cuộc chiến ở Syria cũng là một trong những vấn đề gây cản trở quan hệ Mỹ - Thổ", ông Bolton chia sẻ.
"Tôi cho rằng, Tổng thống Trump muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và ông Trump còn muốn chứng kiến thương mại Mỹ - Thổ tăng trưởng nhưng chúng tôi cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ trong những vấn đề liên quan tới Syria và một số khu vực khác trong vùng", ông Bolton nhấn mạnh.
Hồi năm 2017, Ankara và Moscow đã ký kết bản thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD để chuyển giao 4 tổ hợp S-400. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ nhận được hệ thống phòng không S-400 của Nga từ năm nay.
Tuy nhiên, Washington đã gia tăng sức ép để buộc Ankara từ bỏ thỏa thuận mua S-400 của Nga. Đổi lại, Mỹ đề nghị chuyển giao các hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã phớt lờ đề nghị của Mỹ và khẳng định Ankara sẽ tiếp nhận các chiến đấu cơ F-35 đầu tiên từ Washington vào tháng 11 năm nay. Song trước đó, Lầu Năm Góc đã vận động hành lang để Quốc hội Mỹ không phê chuẩn chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara nhất quyết mua S-400.
Quan chức Mỹ cho rằng NATO không thể triển khai tiêm kích F-35 cùng hệ thống phòng không do Nga sản xuất, gây ảnh hưởng khả năng hiệp đồng.
"Chúng tôi đang tiếp tục đưa ra nhiều lựa chọn để bảo đảm Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia NATO và duy trì quan hệ song phương với Mỹ mà không gặp trở ngại. Việc nước này sở hữu hệ thống phòng không S-400 sẽ là mối đe dọa với tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ và NATO", Reuters dẫn lời quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết.
Quan chức Mỹ khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không phải rút khỏi Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu mua tên lửa S-400 từ Nga, nhưng hợp đồng này cần được coi là vấn đề an ninh quốc gia chứ không chỉ là thỏa thuận thương mại đơn thuần.
"Mối đe dọa lớn tới mức hai hệ thống vũ khí này không được phép triển khai cùng nhau", quan chức giấu tên nói thêm.
Nếu bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhiều khả năng sẽ đưa các sĩ quan, kỹ thuật viên tới nước này để huấn luyện binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ hệ thống.
Điều đó cho phép quân đội Nga tiếp cận mạng lưới phòng không của NATO, cũng như nghiên cứu chiến đấu cơ F-35 để nắm thông tin tác chiến bí mật của đối phương, xóa bỏ ưu thế của chiến đấu cơ đắt nhất thế giới.