Quá trình vận chuyển vũ khí quân sự thường được thực hiện bằng đường biển. Ảnh: Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ
Theo trang Defense Express, Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ đã công bố đồ họa tiết lộ số lượng vũ khí và thiết bị chuyển giao cho Ukraine trên thực tế. Đồ họa này do Nhà Trắng cung cấp, bao gồm nguồn cung từ ngày 11/1/2022 đến ngày 3/1/2023.
Chi tiết đáng chú ý nhất chính là khối lượng hàng viện trợ khổng lồ đến mức Mỹ phải dùng tàu biển và hệ thống đường sắt để vận chuyển. Đây là cũng là phương thức mà Mỹ sử dụng để cung cấp hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm và các loại đạn dược khác cho Ukraine.
Các điểm trung chuyển của những lô hàng này bao gồm cảng Alexandroupoli của Hy Lạp và cảng Constanta của Romania, nơi một đoàn xe bọc thép M1117 của Mỹ viện trợ cho Ukraine đã được phát hiện trong thời gian gần đây.
Quy mô "cầu hàng không" giữa Mỹ và sân bay Boryspil gần Kiev (trước cuộc xung đột) và sân bay Rzeszów của Ba Lan (sau khi cuộc xung đột nổ ra) cũng đáng chú ý. Theo đó, trung bình mỗi ngày có 3 máy bay chở quân nhu đến và đi giữa các sân bay này. Xe tải được sử dụng như "phương tiện vận chuyển chặng cuối", ước tính có khoảng 5.500 chuyến. Điều này cho thấy mạng lưới hậu cần rộng lớn đến mức khó tin.
Đồ họa của Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ. Ảnh: Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ
Thông thường, truyền thông chỉ tập trung đưa tin về số lượng thiết bị hạng nặng được chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Song những trang thiết bị đặc biệt mà Ukraine cần ở giai đoạn triển khai đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ cũng rất quan trọng.
Ước tính, Mỹ đã cung cấp hơn 14.400 vũ khí nhỏ, 201,7 triệu viên đạn, hơn 48.000 chiếc mũ sắt và 70.000 áo chống đạn cho Ukraine. Ngoài ra, danh sách viện trợ cũng bao gồm hơn 1.400 hệ thống phòng không, từ bệ phóng di động cho đến hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) và 2.086 tên lửa đất đối không.
Tuy vậy, nỗ lực hỗ trợ hậu cần quy mô lớn của Mỹ cho đến nay vẫn diễn ra lặng lẽ ở phía sau chiến tuyến và các nhà quan sát không thể nắm được chính xác số lượng những lô hàng này vì nhiều lý do. Một trong số đó là Trung tâm Điều phối Nhà tài trợ Quốc tế (IDCC) đang giữ bí mật về tất cả các tuyến đường tiếp tế cho quân đội Ukraine.
Tất nhiên, Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ cũng chỉ báo cáo về công việc của cơ quan này, chứ không phải tất cả các nguồn cung viện trợ quân sự cho Ukraine nói chung. Ngoài Mỹ, một số quốc gia phương Tây cũng đang nỗ lực để đáp ứng mọi nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine.
Chẳng hạn, Ba Lan đã hỗ trợ hậu cần để vận chuyển xe tăng M-55S từ Slovenia tới Ukraine, còn Anh tích cực vận chuyển hàng hóa đến Ukraine và đôi lúc phải nhờ sự hỗ trợ của máy bay vận tải từ New Zealand.
Máy bay vận tải quân sự C-17 vận chuyển hàng viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, Lầu Năm Góc chủ yếu dựa vào các máy bay chở hàng để gửi viện trợ cho Chính phủ Ukraine. Vài tuần sau khi chiến sự bùng nổ, Washington bắt đầu sử dụng các tuyến đường biển để gửi vũ khí tới Ukraine. Sau đó, phương thức vận chuyển bằng đường biển được mở rộng đáng kể, khi Washington bắt đầu gửi các khẩu lựu pháo và vũ khí hạng nặng khác cho Kiev.
Đại tá Lục quân Steven Putthoff, Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ, cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu cung cấp lựu pháo cho Kiev, chúng tôi biết rõ rằng họ sẽ cần thêm đạn dược. Vì vậy, chúng tôi lên kế hoạch trước, sau đó bắt đầu sử dụng phương thức vận tải biển nhiều hơn để viện trợ cho Kiev, đôi khi đạt mục tiêu trước yêu cầu".
Các nhà phân tích chỉ ra rằng máy bay vận chuyển vũ khí từ Mỹ đến châu Âu nhanh hơn nhiều, nhưng tàu có thể chở nhiều vũ khí hơn. Tờ Washington Post bình luận rằng việc chuyển đổi phương thức cung cấp vũ khí của Lầu Năm Góc báo hiệu giai đoạn mới của cuộc xung đột, khi Ukraine và các đồng minh chuẩn bị ứng phó với kịch bản được dự đoán là một cuộc xung đột khốc liệt, có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa.
Các quan chức quốc phòng Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết các tuyến đường vận tải biển cụ thể được sử dụng để chuyển vũ khí tới Ukraine. Tuy nhiên, giới chức cho biết một số vũ khí đến từ Mỹ trực tiếp được chuyển tới chiến trường, trong khi số khác bổ sung cho kho dự trữ của Mỹ tại châu Âu, nơi từng chuyển vũ khí tới Ukraine trước đó.
Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ cung cấp máy biến áp để khôi phục hệ thống điện của Ukraine vào tháng 12/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Mỹ là nhà tài trợ vũ khí hàng đầu của Ukraine. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, quốc gia này đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính, cũng như các dữ liệu tình báo. Các loại vũ khí mà Mỹ đã chuyển giao cho quân đội Ukraine bao gồm hàng nghìn tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống tăng Javelin, bệ phóng tên lửa HIMARS, pháo M777 và hàng trăm chiếc máy bay chiến đấu không người lái.
Nga đã nhiều lần cảnh báo về hành động "bơm" vũ khí cho Ukraine của Mỹ và các đồng minh, cho rằng chúng chỉ kéo dài xung đột và làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Moskva và NATO. Nga cũng tuyên bố họ sẽ coi các lô vũ khí phương Tây cấp cho Kiev là mục tiêu tấn công hợp pháp của Moskva.