Ưu tiên hàng đầu của Không quân Israel
Những năm gần đây, Không quân Israel (IAF) tập trung vào khả năng tấn công các hoạt động cố thủ của Iran trong khu vực, đặc biệt là ở Syria, cũng như chuẩn bị các kế hoạch tấn công chống lại Hezbollah ở Lebanon.
Tuy nhiên, giờ đây, các nhà hoạch định của IAF đã đặt tầm nhìn vào các mục tiêu trên đất Iran. Năm 2022 là năm lực lượng này đặt khả năng tấn công tầm xa nhằm vào các địa điểm có chương trình hạt nhân của Iran lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên.
Máy bay F-35 và F-16 của Không quân Israel. Nguồn: jewishnews.timesofisrael.com
Các cơ sở hạt nhân của Iran - các địa điểm làm giàu uranium Natanz và Fordow - không chỉ ở rất xa mà còn được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến; Fordow được xây dựng sâu bên trong một ngọn núi.
Năm 2018, sau khi chính quyền ông Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), gọi tắt là Thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, Tehran đã phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Iran bắt đầu đẩy nhanh các hoạt động làm giàu uranium. Nước này đã đạt được tiến bộ đáng báo động trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân: tích lũy đủ vật liệu phân hạch.
Iran đã làm giàu hơn 120 kg uranium lên mức 20% vào tháng 10, một bước nhảy vọt so với 84 kg mà Iran đã làm giàu trước đó một tháng. Khoảng thời gian Iran cần để đạt được vũ khí thực tế trong khoảng từ 18 tháng đến 2 năm không phải là một khoảng thời gian dài về mặt chiến lược.
Theo một số nhà quan sát, ngay cả khi người Iran không sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Israel, chiếc ô hạt nhân mà Tehran sở hữu sẽ giúp họ dễ dàng hơn hiện thực hóa giấc mơ bá chủ khu vực và hơn thế nữa. Điều này sẽ cung cấp một chiếc ô hạt nhân cho các tổ chức ủy thác ngày càng tự tin hơn của họ ở Trung Đông.
Với vũ khí hạt nhân trong tay, họ có thể hành động chống lại các quốc gia trong khu vực, trước hết là Israel, với ít lo ngại hơn về các phản ứng có thể xảy ra.
Tehran tin rằng khi nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, Israel cũng sẽ bị ngăn cản hành động chống lại các lợi ích của Iran. Vũ khí hạt nhân sẽ khiến Iran tự tin hành động mà không phải lo lắng về sự trả đũa của Mỹ hoặc mối đe dọa về một cuộc chiến tranh kiểu Libya nhằm thay đổi chế độ.
Giờ đây, chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách đưa Iran trở lại bàn đàm phán. Iran đã quay trở lại các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna với Mỹ và các cường quốc trên thế giới, nhưng vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán có dẫn đến một thỏa thuận thực sự hay không.
Mỹ và Israel đang âm thầm đưa ra một thỏa thuận phụ giữa họ, quy định những hành động sẽ được thực hiện nếu Iran tiếp cận khu vực đột phá. IAF phải lập kế hoạch chi tiết nhất, thông tin tình báo, lựa chọn vũ khí, khả năng tiếp nhiên liệu… Đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi nhiều trí tuệ và khả năng tác nghiệp.
Theo quan điểm của Israel, để chắc chắn, một cuộc tấn công sẽ là phương sách cuối cùng. Đặc biệt, điều này do thực tế là một cuộc tấn công có thể khiến Iran nhanh chóng kích hoạt Hezbollah - lực lượng ủy nhiệm được vũ trang của họ ở Lebanon ngày nay, mạnh hơn 20 lần so với trước Chiến tranh Lebanon lần thứ hai năm 2006.
Kho vũ khí của họ gồm hơn 150.000 tên lửa đất đối đất của Hezbollah được thiết kế để ngăn chặn Israel tiến hành một cuộc tấn công.
Các lực lượng ủy nhiệm người Shi’ite của Iran ở Syria và Iraq cũng có thể tham gia vào cuộc xung đột sau một cuộc tấn công, tạo bối cảnh cho một cuộc chiến tranh Trung Đông lớn. Một kịch bản như vậy không phải là không thể tránh khỏi và bản chất của chiến tranh là không thể đoán trước.
Ngân sách quốc phòng của Israel đã mở rộng cho năm 2021 - khoảng 62,3 tỷ shekel (và 60 tỷ shekel cho năm 2022) - thể hiện sự gia tăng đáng kể từ mức chi tiêu 57,5 tỷ shekel cho quốc phòng năm 2020.
Trong quá khứ, Iran đã coi trọng các mối đe dọa quân sự đối với các cơ sở hạt nhân của mình. Năm 2003, nhận thấy lực lượng Mỹ ở biên giới Afghanistan và Iraq, Iran đã đóng băng chương trình hạt nhân để tránh hành động quân sự. Tuy nhiên, ngày nay, Iran dường như không coi trọng các mối đe dọa quân sự từ bất kỳ ai.
Đối với Israel, điều này cũng có nghĩa là phải sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn diện có thể xảy ra sau một cuộc tấn công như vậy của lực lượng ủy nhiệm Iran mà tính cấp bách của nó đang tăng lên theo thời gian.
Ở cấp độ chiến thuật, có vẻ như phi đội F-35 ngày càng phát triển của Israel sẽ đóng vai trò hàng đầu trong các tình huống như vậy với tính năng tàng hình, khả năng xâm nhập sâu vào không gian đối phương và thu thập một lượng lớn thông tin tình báo có thể được gửi trở lại để máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-15 và F-16 tấn công. IAF đang sử dụng đầy đủ các khả năng mà F-35 sở hữu và kết hợp những khả năng này với vai trò của các máy bay phản lực F-16 và F-15, cũng như các máy bay không người lái (UAV).
Huấn luyện tấn công tầm xa các địa điểm hạt nhân của Iran
Israel và Mỹ có kế hoạch tổ chức các cuộc thảo luận về các cuộc tập trận chung mô phỏng cuộc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, được xem xét trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel và các quan chức Lầu Năm Góc vào ngày 9/12.
Việc này liên quan đến "hàng chục" máy bay bao gồm máy bay chiến đấu F-35, F-16 và F-15, nhiều máy bay trinh sát và máy bay tiếp dầu trên không, và sẽ được thực hiện xa trên biển Địa Trung Hải trong vùng biển quốc tế để mô phỏng khoảng cách mà một hạm đội sẽ di chuyển đến các cơ sở của Iran.
Chiếc B-2 Spirit của Mỹ thả bom GBU-57. Nguồn: militarywatchmagazine.com
Truyền thông Israel ngày 6/12 đưa tin Tev Aviv đang lên kế hoạch yêu cầu Mỹ xem xét các cuộc tấn công nhằm vào Iran khi các cuộc đàm phán tại Vienna giữa các bên ký kết JCPOA đã không đạt được tiến bộ. Israel phản đối JCPOA ngay từ đầu và đã tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc nối lại đàm phán mà không có nhiều hạn chế nghiêm khắc hơn đối với Iran.
Trong khi JCPOA ban đầu được ký vào năm 2015 để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương của Liên Hợp Quốc và phương Tây đối với Iran, ngày nay vị thế của phương Tây yếu đi đáng kể khi chỉ còn các biện pháp trừng phạt đơn phương, khiến nền kinh tế Iran tự do hơn nhiều trong giao dịch và nhận đầu tư từ các bên không phải phương Tây, chẳng hạn như Trung Quốc.
Hạn chế cuối cùng của JCPOA, một lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với một số vũ khí nhập khẩu, đã được dỡ bỏ vào tháng 10/2020, nghĩa là Iran hiện tại không có hạn chế bất thường nào đối với kinh tế hoặc quân sự, ngoài những hạn chế đơn phương từ Mỹ và một số đồng minh của họ.
Giới chức Mỹ tuyên bố họ sẽ không bình luận về các cuộc tập trận chung có thể nhắm vào Iran, nhưng sự tham gia của Mỹ được coi là quan trọng đối với thành công của một hoạt động như vậy.
Ngoài phi đội nhỏ gồm 25 máy bay chiến đấu F-15I của Israel, không máy bay nào trong kho của họ có thể bay qua các địa điểm hạt nhân của Iran với tải trọng vũ khí mà không cần tiếp nhiên liệu trên không trừ khi sử dụng các căn cứ ở nước ngoài.
Mỹ không chỉ triển khai phi đội máy bay chiến đấu tấn công lớn gấp nhiều lần mà còn cả máy bay ném bom hạng nặng và nhiều loại máy bay hỗ trợ cho tác chiến điện tử, cảnh báo sớm và kiểm soát đường không.
Đối với các cơ sở hạt nhân được bảo vệ nghiêm ngặt, vũ khí phi hạt nhân duy nhất có thể xuyên thủng chúng sẽ là bom dẫn đường đánh boongke như GBU-57, được triển khai bởi máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ./.