Trong một nỗ lực mới nhất và có thể là cuối cùng, Mỹ đã phái một nhóm kỹ thuật sang Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm này sẽ đến Ankara vào ngày 15/1 để tham gia cuộc đối thoại kéo dài hai ngày với giới chức ở Ankara, tờ Hurriyet đưa tin.
Theo bài báo, nhóm của Mỹ “sẽ bày tỏ những quan ngại cụ thể” đối với các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ về hợp đồng S-400 mà Ankara ký với Moscow, đặc biệt là quan ngại liên quan đến “tính an toàn bay của các chiến đấu cơ F-35" khi Ankara quyết không từ bỏ kế hoạch mua 4 khẩu đội tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỉ USD từ Nga.
Tuần trước, người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ismail Demir cho biết, ông sẽ hoan nghênh các quan chức Mỹ đến và giải thích chính xác nguy cơ mà S-400 gây ra cho những chiếc chiến đấu cơ F-35.
"Chúng tôi liên tục được nghe về những nguy cơ và vấn đề tiềm tàng đối với những chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 trong trường hợp chúng được triển khai ở gần các hệ thống tên lửa S-400. Chưa có nhóm nào đến để làm rõ cho chúng tôi nguy cơ đó là gì. Chúng tôi đã nói với họ nhiều lần là họ cần đến và giải thích tất cả những quan ngại của họ nếu họ nghĩ đó là những quan ngại nghiêm trọng", ông Demir cho biết.
Ankara hồi năm ngoái đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Lô tên lửa S-400 đầu tiên dự kiến sẽ được Nga bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 tới.
Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh NATO. Mỹ thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35. Giới nghị sĩ Mỹ liên tục nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đối với Mỹ và NATO.
Bất chấp áp lực của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, họ có thể tự do lựa chọn các đối tác trong giao dịch vũ khí mà không muốn và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự can thiệp nào từ Washington hay bất kỳ ai khác. “Chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai” để mua các hệ thống S-400, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tháng 9 năm ngoái từng phát biểu cứng rắn như vậy.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây bất ngờ thông qua việc bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỉ USD. Trong một thời gian dài, Mỹ không chấp nhận bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara liên tục bày tỏ mong muốn có được thứ vũ khí thiện chiến này. Washington đưa ra rất nhiều lý do để từ chối bán Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Mỹ bất ngờ thông qua thỏa thuận bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một sự thay đổi hoàn toàn trong lập trường của nước này và giới phân tích tin rằng đằng sau sự thay đổi đó có liên quan đến việc Ankara mua các hệ thống S-400 của Nga.
Có thể hiểu rằng, Mỹ muốn bán các tên lửa Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế với mục đích cao nhất là để thuyết phục Ankara hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga. Như vậy, Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm cách phá hợp đồng S-400 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.
S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.