Trong những thập kỷ qua, Mỹ gần như đứng ngoài cuộc khi Trung Quốc phát triển hỏa lực quân sự. Giờ đây, sau khi thoát khỏi các ràng buộc của một hiệp ước kiểm soát vũ khí từ thời Chiến tranh lạnh, chính quyền Tổng thống Trump đang lên kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất ở châu Á-Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc hiện có ý định trang bị cho lực lượng lính thủy đánh bộ phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk đang xuất hiện trên tàu chiến Mỹ, theo các yêu cầu ngân sách của Nhà Trắng cho năm 2021 và thông tin từ các cuộc điều trần trước quốc hội của các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ hồi tháng 3.
Ngoài ra, Washington còn đẩy nhanh việc giao các các tên lửa chống tàu tầm xa mới đầu tiên trong nhiều thập kỷ cho quân đội Mỹ.
Động thái của Mỹ nhằm đối phó lợi thế của tên lửa đạn đạo và tên lửa mặt đất Trung Quốc. Theo các tư lệnh và cố vấn chiến lược Lầu Năm Góc, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xây dựng một lực lượng tên lửa có tầm bắn xa hơn Mỹ và các đồng minh ở khu vực.
Ngoài ra, trong nỗ lực thay đổi mạnh mẽ về chiến thuật, Lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ hợp tác với Hải quân Mỹ tấn công tàu chiến của đối phương. Các đơn vị di động nhỏ của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ được trang bị tên lửa chống hạm sẽ trở thành sát thủ tàu thuyền.
Lực lượng này được trang bị các tên lửa chính xác có thể chỗ trợ Hải quân Mỹ giành quyền kiểm soát trên biển, đặc biệt ở Tây Thái Bình Dương.
"Tên lửa Tomahawk là một trong số những công cụ cho phép chúng ta làm được điều đó" - một chỉ huy quân sự Mỹ cho biết.
Tên lửa Tomahawk được trang bị trên tàu chiến của Mỹ và sử dụng tấn công các mục tiêu trên mặt đất trong các thập kỷ qua. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa hành trình vào năm 2022 với mục tiêu đưa nó vào hoạt động trong năm sau đó.
Tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia tập trận chung với binh sĩ Philippines tại tỉnh Zambales hồi tháng 4-2019. Ảnh: Reuters
Ban đầu, số lượng nhỏ tên lửa hành trình trên mặt đất sẽ không thay đổi cán cân sức mạnh. Tuy nhiên, động thái trên của Mỹ có thể phát đi tính hiệu mạnh mẽ rằng nước này chuẩn bị cạnh tranh với kho vũ khí của Trung Quốc, theo các nhà chiến lược cao cấp của Mỹ và phương Tây.
Về lâu dài, số lượng lớn các tên lửa của Mỹ có thể là mối đe dọa với quân đội Trung Quốc. Mối đe dọa tức thì lớn nhất đến từ loạt tên lửa chống hạm tầm xa mới được trang bị trong các máy bay tấn công của Hải quân và Không quân Mỹ.
"Người Mỹ đang trở lại mạnh mẽ" - ông Ross Babbage, chuyên gia của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Mỹ) nhận định.
Một nhóm 3 tàu chiến Mỹ và 1 tàu chiến Úc tại biển Đông hôm 18-4-2020. Ảnh: Reuters
Trung Quốc có được lợi thế vì không tham gia hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), trong đó cấm Mỹ và Nga sở hữu tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5500 km. Vì không bị ràng buộc bởi INF, theo ước tính của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã triển khai khoảng 2000 loại vũ khí này.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước INF vào năm ngoái giúp Mỹ tập trung đối phó với lực lượng tên lửa Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi đó cho biết ông muốn các tên lửa phóng từ mặt đất được triển khai đến châu Á trong vòng vài tháng nhưng thừa nhận kế hoạch này có thể tốn nhiều thời gian hơn.
Cuối tháng 8-2019, Lầu Năm Góc thử nghiệm tên lửa Tomawahk phóng từ mặt đất. Đến tháng 12-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ cho phóng thử một tên lửa đạn đạo từ mặt đất. Nếu còn tham gia hiệp ước INF, Mỹ sẽ bị cấm tiến hành những vụ thử như thế.
Tài liệu ngân sách cho thấy lực lượng lính thủy đánh bộ đã yêu cầu khoản tiền 125 triệu USD để mua 48 tên lửa Tomahawk (có tầm bắn khoảng 1.600 km) từ năm tới.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cho tiến hành nghiên cứu về vũ khí tấn công tầm xa mới, trong đó yêu cần khoảng ngân sách 3,2 tỉ USD cho công nghệ siêu thành chủ yếu dùng cho tên lửa.
Một tên lửa phóng từ tàu chiến Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Máy bay ném bom B1-B Lancer phóng tên lửa LRASM hồi tháng 8-2013. Ảnh: Hải quân Mỹ
Vụ thử tên lửa hành trình của Mỹ tại bang California hôm 18-8-2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Chưa hết, các máy bay phản lực F/A 18 Super Hornet và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ hiện đang được trang bị loại tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) mới của hãng Lockheed Martin. Tên lửa mới này đang được triển khai để đáp ứng "nhu cầu hoạt động khẩn cấp" của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, theo tài liệu ngân sách.
LRASM mang đầu đạn nặng 450 kg và có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 800 km. Các tài liệu ngân sách cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm 224 triệu USD để đặt mua thêm 53 tên lửa LRASM vào năm 2021. Hải quân và Không quân Mỹ dự kiến sẽ có hơn 400 LRASM vào năm 2025.
LRASM được phát triển từ loại tên lửa tấn công mặt đất tầm xa gọi tắt là JASSM. Bộ Quốc phòng Mỹ đang yêu cầu chi 577 triệu USD vào năm tới để đặt mua thêm 400 tên lửa JASSM.
"Sự tập trung của Mỹ và đồng minh vào các tên lửa hành trình tấn công mặt đất và chống hạm tầm xa là cách nhanh nhất để tái thiết sức mạnh hỏa lực tầm xa ở Tây Thái Bình Dương" - ông Robert Haddick, chuyên gia tại Viện Mitchell về nghiên cứu hàng không vũ trụ (Mỹ) nhận định.
Các sĩ quan hải quân Mỹ hiện tại và đã nghỉ hưu đang thúc giục Bộ Quốc phòng Mỹ trang bị cho các tàu chiến Mỹ các tên lửa chống hạm tầm xa, cho phép chúng cạnh tranh với các tàu tuần dương, khu trục hạm và tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc.