Được biết, đầu tháng 2, Indonesia đã lên tiếng chỉ trích tiêm kích Su-35 trong bối cảnh hợp đồng với Nga có nguy cơ bị hủy bỏ.
Mặc dù Indonesia mong muốn có được một số lượng lớn máy bay chiến đấu Su-35, quốc gia này mới đây lại bất ngờ lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ tiêm kích của Nga, nhấn mạnh rằng chúng không chỉ rất đắt tiền mà còn hoàn toàn vô dụng trong chiến đấu trên không.
Theo báo cáo từ trang thông tin Indo Aviation của Indonesia, ngoài chi phí cao thì các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga khó có thể so sánh với giá của một chiếc F-35 do Mỹ chế tạo khi đắt hơn ít nhất 20%. Bên cạnh đó, tiêm kích Nga ngoài việc không phải là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thì nó còn rất nhiều thiếu sót.
Theo giới chức Indonesia, những nhược điểm chính của Su-35 là yếu tố lỗi thời với sự hiện diện của radar mảng pha quét thụ động thay vì chủ động, kích thước lớn làm tăng diện tích phản xạ radar, cũng như không có công nghệ tàng hình...
Ngoài ra, phía Indonesia còn từ chối mua một số tàu tuần tra hải quân của Trung Quốc trị giá 200 triệu USD. Theo các nguồn tin, chính quyền Mỹ đã thông báo cho Indonesia về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí với Nga và Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ nhắc nhở rằng Washington kêu gọi các đồng minh từ bỏ việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, nếu không Mỹ có thể áp đặt các biện pháp hạn chế theo Luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA).
Theo đó, đạo luật cho phép áp dụng biện pháp trừng phạt chống lại các nước thứ ba tương tác với Moscow trong hợp tác kỹ thuật quân sự. Hiện phía Nga và Indonesia chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Trước đó, việc thúc đẩy Hợp đồng giữa Nga và Indonesia về việc cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 đã được tiến hành. Hợp đồng này đã được ký vào tháng 2/2018. Theo đó, Nga cam kết sẽ cung cấp 11 máy bay chiến đấu Su-35 cho Không quân Indonesia.
Theo thỏa thuận liên chính phủ, 11 chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga sẽ được bán cho Indonesia để đổi lấy nhiều mặt hàng như cà phê, trà và dầu cọ cũng như các sản phẩm nông sản khác trị giá 1 tỉ USD. Theo Tổng Giám đốc Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev, trước đó nói rằng, phía Nga đã sẵn sàng thực hiện hợp đồng với Indonesia.