Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) của Mỹ, các thủy thủ tại Khu liên hợp Thử nghiệm Phòng thủ Tên lửa Aegis Ashore thuộc Trung tâm thử Tên lửa Thái Bình Dương tại khu vực Kauai, thuộc bang Hawaii đã sử dụng hệ thống SM-3 để theo dõi và đánh chặn một tên lửa tầm trung. Mục tiêu trong cuộc thử nghiệm này là một tên lửa được phóng từ máy bay Không quân C-17 qua đại dương cách hệ thống Aegis Ashore hàng nghìn dặm.
Trong một tuyên bố, Giám đốc MDA, Trung tướng Sam Greaves cho biết, hệ thống SM-3 Block IIA được thiết kế để bảo vệ nước Mỹ, các lực lượng Mỹ được triển khai trên thế giới, cùng các đồng minh khỏi những mối đe dọa ngày càng hiện hữu đến từ các tên lửa đạn đạo.
MDA cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Mỹ đã chi khoảng 2,2 tỷ USD và Nhật Bản đóng góp khoảng 1 tỷ USD cho hệ thống trên. Tháng 10 vừa qua, quân đội Mỹ đã thử nghiệm đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung bằng SM-3.
Đây là lần thử thành công thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng của hệ thống tên lửa SM-3 Block IIA cùng các công nghệ liên quan sau vụ thử thành công hồi tháng 2-2017. Hai vụ thử nghiệm thất bại lần lượt vào tháng 6-2017 và tháng 1-2018.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã được chỉ thị theo đuổi các phương án nhằm đánh chặn các tên lửa Triều Tiên có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ, thông qua việc sử dụng radar và tên lửa để xác định và bắn hạ các mục tiêu đe dọa. Quân đội Mỹ đã nghiên cứu khả năng tăng thêm lớp phòng thủ để đánh chặn các tên lửa hướng tới nước này.
Hệ thống Aegis do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất hiện đang được triển khai trên 36 tàu của Hải quân Mỹ, cũng như Đơn vị Tên lửa Thái Bình Dương tại Hawaii. Các tàu lớp Aegis có thể tuần tra trên Thái Bình Dương và tăng cường mạng lưới tên lửa đánh chặn tại Alaska và California trước các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa tiềm tàng.