Mỹ thử đầu đạn có khả năng tấn công Moscow trong 20 phút

Thanh Bình |

The Drive đưa tin, Lực lượng Không quân Mỹ (Air Force) đã tiến hành các cuộc thử nghiệm trên mặt đất đối với một nguyên mẫu đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao của vũ khí phản ứng nhanh vượt siêu âm AGM-183A (ARRW).

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Theo công bố, các cuộc thử nghiệm diễn ra tại căn cứ Không quân Eglin ở Florida. Trong quá trình thử nghiệm, dữ liệu được thu thập liên quan cho thấy sức mạnh của vụ nổ và mức độ tàn phá mà nó tạo ra.

Thông tin chính thức về cuộc thử nghiệm đầu đạn không được báo cáo, nhưng ấn phẩm của Mỹ thừa nhận rằng đầu đạn được chế tạo bằng công nghệ vũ khí sát thương cao, sử dụng chất nổ PBXN-110.

Tên lửa AGM-183A của Không quân Mỹ được thiết kế để có thể vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc của đối phương và tấn công các mục tiêu giá trị như cầu cảng, sân bay và các cơ sở khác.

Để đẩy nhanh tiến độ phát triển AGM-183A ARRW, không quân Mỹ mới đây đã loại bỏ một chương trình phát triển tên lửa siêu vượt âm khác để có đủ nguồn tài chính cần thiết.

AGM-183A được cho là có tầm bắn 1.600 km trong 10-12 phút. Quân đội Mỹ mong muốn tên lửa có thể đạt tốc độ gấp 20 lần vận tốc âm thanh, xấp xỉ tốc độ mà Tàu con thoi di chuyển khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất.

Vào tháng 3, Daily Express đưa tin, AGM-183A ARRW được phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ, có thể tấn công Moscow trong vòng chưa đầy 20 phút và tới Bắc Kinh trong nửa giờ.

Đồng thời, cũng trong thời gian này, công ty Lockheed Martin của Mỹ đã giới thiệu những hình ảnh đầu tiên về hệ thống tên lửa siêu nhanh AGM-183A ARRW đầy hứa hẹn.

Vào tháng 6/2019, B-52H Stratofortress đã thực hiện chuyến bay đầu tiên với tên lửa đạn đạo siêu thanh AGM-183A ARRW.

Trước đó, nhiều thông tin cho rằng Không quân Mỹ và Lockheed Martin đã ký hợp đồng trị giá 988,8 triệu USD để chế tạo tên lửa siêu thanh ARRW. Thỏa thuận bao gồm một đánh giá quan trọng đối với dự án ARRW, hỗ trợ thử nghiệm và chuẩn bị cho khu phức hợp để sản xuất.

Tên lửa sẽ sẵn sàng vào năm 2021 và có thể đi vào hoạt động vào năm 2022. Theo công ty, công việc đang diễn ra đúng tiến độ. Được biết, tên lửa sẽ được trang bị một động cơ đẩy chất rắn và một đầu đạn siêu thanh có thể tháo rời.

Hiện nay, Nga và Trung Quốc đều đang phát triển các chương trình vũ khí siêu thanh và tuyên bố những thử nghiệm thành công.

Vào tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu một trong 6 vũ khí chiến lược mới của nước này: Avangard, phương tiện lượn siêu vượt âm đầu tiên được chế tạo thành công trên thế giới, có tốc độ lên tới Mach 20 - Mach 27, tùy độ cao.

Trong khi đó, Mỹ được xem là nước tụt hậu trong công nghệ vũ khí siêu thanh, sau nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa thất bại bị coi là bước lùi của Mỹ trong cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc.

Mỹ đang phát triển 4 loại vũ khí bội siêu thanh: tên lửa siêu thanh phóng từ trên không (Air Launched Hypersonic Weapon), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (Conventional Prompt Strike), tên lửa siêu thanh tầm xa (Long Range Hypersonic Weapon) cho Lục quân và Không quân, và tên lửa siêu thanh dựa trên cơ sở mẫu tên lửa đánh chặn SM-6 IA (Standard SM-6IB) cho Hải quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại