Mỹ tăng cường khả năng phòng không cho khinh hạm

Ly Vy |

Hải quân Mỹ đang nỗ lực nâng cấp các khinh hạm trong tương lai để chúng bảo vệ các tàu khác trước mối đe dọa từ trên không, cũng như dưới lòng biển và trên mặt biển.

Đây sẽ là bước tiến quan trọng để phát triển một mẫu khinh hạm mới từ thiết kế tàu tác chiến cận bờ (LCS) có sẵn.

Một nhóm nghiên cứu mang tên Nhóm đánh giá yêu cầu (RET) đã được thành lập nhằm kiểm tra khả năng lắp đặt hệ thống phòng không lên khinh hạm để chúng bảo vệ các tàu hậu cần tác chiến (các tàu cung cấp nhiên liệu, đạn dược, thiết bị phụ tùng và thực phẩm cho các tàu chiến trên biển). 

Thiết kế khinh hạm hiện nay được trang bị tên lửa phòng không nhưng chỉ có thể bảo vệ chính bản thân con tàu.

Theo tài liệu dự thảo, mục tiêu tối thiểu là tăng gấp đôi số lượng tên lửa phòng không ESSM Block-2 từ 8 lên con số 16 hoặc kết hợp với hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 với ít nhất 8 tên lửa đánh chặn SM-2.

Tên lửa SM-2 là một trong những vũ khí phòng không chủ lực được trang bị cho các tàu khu trục và tàu tuần dương có hệ thống phòng thủ Aegis.

Các tên lửa SM-2 sẽ yêu cầu một hệ thống chỉ huy-kiểm soát phức tạp hơn và nhóm RET đang cân nhắc lắp đặt phiên bản mới của loại radar giám sát đường không Enterprise mà tập đoàn Raytheon đang phát triển cho các tàu sân bay lớp Ford cũng như các tàu đổ bộ cỡ lớn.

Mẫu tàu mới cũng đồng thời có khả năng tương tác hợp tác thông qua một hệ thống mạng chất lượng cao, giúp kết hợp các cảm biến và vũ khí trang bị trên nhiều tàu, máy bay hoặc các cơ sở trên đất liền vào 1 hệ thống kiểm soát hỏa lực kết hợp.

Khả năng phòng không tăng cường sẽ đưa những con tàu này lên chuẩn FFG - tức khinh hạm mang tên lửa dẫn đường có khả năng phòng không khu vực.

Cũng theo bản dự thảo, mẫu FFG mới sẽ được tăng cường khả năng sống sót lên mức độ ngang bằng với FFG 7 - tức khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Oliver Hazard Perry được phát triển từ những năm 1970 và gia nhập Hải quân Mỹ trong những năm 1970 đến 1980. Những con tàu cuối cùng thuộc lớp này đã bị loại biên vào năm 2015.

Lockheed Martin và Austal USA - hai hãng chế tạo tàu tác chiến cận bờ (LCS) - đã phát triển một số biến thể khinh hạm từ thiết kế LCS để chuẩn bị cho đề nghị mời thầu (RFP) mà họ có thể nhận được từ Hải quân Mỹ vào mùa thu năm nay.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi từ FF (khinh hạm truyền thống) sang chuẩn FFG có thể sẽ khiến 2 công ty này phải sửa đổi đáng kể thiết kế đề xuất, từ đó làm chậm tiến trình dự thầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại