Mỹ ‘tân trang’ người Kurd làm Nga, Thổ và Syria ‘bó tay’

Đức Trí |

Lực lượng người Kurd ở Syria đang được Mỹ “đánh bóng” bằng biện pháp khác, đây được coi là “đỉnh cao” của cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria.

"Nếu người Mỹ không hứa rút lực lượng vũ trang người Kurd địa phương, chúng tôi sẽ tự mình chiếm Manbij. Nếu các tay súng khủng bố ở Afrin (ám chỉ người Kurd địa phương) không đầu hàng, chúng tôi sẽ tiêu diệt họ", đây là lời "tuyên chiến" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối với các lực lượng vũ trang người Kurd Syria hồi đầu năm 2020.

Giới quan sát cho rằng, đây cũng lời tuyên chiến của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ do lực lượng người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn trong nhiều năm qua.

Chỉ một ngày sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức nhận được đáp án của Mỹ, khi đại diện của Liên minh quốc tế chống khủng bố ở Syria do Mỹ lãnh đạo tuyên bố, Liên minh này đã lên kế hoạch xây dựng một "đội bảo vệ biên giới" ở khu vực do người Kurd khống chế ở miền bắc Syria. Động thái này giống như “một cái tát mạnh vào mặt ông Erdogan”.

Mỹ ‘tân trang’ người Kurd làm Nga, Thổ và Syria ‘bó tay’ - Ảnh 1.

Bản đồ tương quan lực lượng tại Syria (Nguồn: al-Jazeera).

Mỹ thành lập “đội quân biên giới”

Trải qua nhiều năm nội chiến, người Kurd đã trở thành một trong những phe phái hùng mạnh nhất ở Syria. Bằng cách hợp tác với Mỹ để chống lại IS, người Kurd đã cai quản hơn 20% diện tích đất nước Syria, tập trung tại khu vực Al Jazirah, Al-Hasakah và Afrin.

Trong đó, Afrin là khu vực bị Thổ Nhĩ Kỳ, Quân đội chính phủ Syria và phe đối lập Syria bao vây xung quanh, và từ lâu khu vực này phải dựa vào sự hiện diện của Mỹ để tồn tại.

Ngay từ mùa thu năm 2017, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng chiếm lấy thành phố trọng điểm Manbij từ tay người Kurd, nhưng do Mỹ điều động nhiều xe bọc thép Stryker “tuần tra trên đường phố” buộc Ankara phải rút quân.

Hiện, Mỹ đang đẩy mạnh việc xây dựng “đội quân biên giới” Syria gồm 30.000 người để triển khai tại biên giới giữa Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Khu vực triển khai cụ thể kéo dài từ thung lũng sông Euphrates đến khu vực biên giới giữa người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Giới phân tích tin rằng, điều này có nghĩa là Mỹ đang tiến hành phương pháp “bình cũ rượu mới” để thay đổi “tư cách pháp nhân” của Quân đội Dân chủ Syria vốn do lực lượng người Kurd thống trị.

Đây sẽ là lực lượng "xương sống" chống lại Chính phủ Syria được Nga hỗ trợ, đồng thời lực lượng này sẽ tiến hành các hành động chống phá Thổ Nhĩ Kỳ trong “bóng tối”.

Theo các báo cáo, chủ lực của “đội quân biên giới” do Mỹ thành lập hiện nay là 15.000 quân của Quân đội Dân chủ Syria.

Lực lượng này đã được tôi luyện tại “chảo lửa” Rakka và Deir ez-Zour, sức mạnh chiến đấu của lực lượng này đang ở giai đoạn mạnh nhất. 15.000 quân còn lại được Mỹ dự định tuyển mộ từ phe đối lập Syria.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ sẽ giám sát việc huấn luyện "đội quân biên giới".

Mỹ ‘tân trang’ người Kurd làm Nga, Thổ và Syria ‘bó tay’ - Ảnh 2.

CIA Mỹ chịu trách nhiệm huấn luyện lực lượng vũ trang người Kurd (Nguồn: Xinhua).

Đội quân làm gia tăng tranh chấp

Vấn đề người Kurd là vấn đề dân tộc lớn thứ hai ở Trung Đông sau cuộc xung đột Ả Rập - Israel năm 1948.

Mặc dù người Kurd là nhóm dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông với tổng dân số khoảng 30 triệu người, họ là một "nhóm dân tộc xuyên quốc gia", trong đó có khoảng 18 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 12 triệu người khác sống ở miền bắc Syria, miền bắc Iraq và tây bắc Iran, nguyên là tỉnh Kurdistan của Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman cũ.

Sau khi đế chế sụp đổ năm 1918, cùng với việc người Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq thành lập quốc gia, thì người Kurd gần như cũng có cơ hội thành lập đất nước, nhưng sau khi ký Hiệp ước Lausanne năm 1923, họ trở thành dân tộc thiểu số phân tán ở nhiều quốc gia.

Mặc dù người Kurd không làm hài lòng đất nước họ sinh sống, nhưng họ đã nhận được sự chú ý của người Mỹ.

Theo báo cáo, kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ đã sử dụng nhiều kênh khác nhau để hỗ trợ các phe phái vũ trang người Kurd nhằm duy trì sự hỗn loạn ở Trung Đông, thúc giục các phe phái này xích lại gần hơn với Mỹ nhằm kiểm soát hoàn toàn tình hình Trung Đông.

Sau khi chế độ Saddam sụp đổ năm 2003, Mỹ đã thâu tóm lực lượng người Kurd do Masoud Barzani lãnh đạo để thành lập một “nước trong nước” tại miền bắc Iraq.

Năm 2014, Mỹ cần một lực lượng vũ trang để chống lại IS ở Syria, và Mỹ nhìn trúng Lực lượng bảo vệ nhân dân của người Kurd. Sau đó lực lượng này được hợp nhất vào Quân đội Dân chủ Syria, có trách nhiệm tranh giành lãnh thổ.

Hiện nay, ngoài vũ khí hạng nhẹ, lực lượng vũ trang người Kurd Syria còn có các phương tiện bọc thép do Mỹ hỗ trợ và các vũ khí hạng nặng như xe tăng T-55 và T-72 thu được từ quân chính phủ Syria.

Lực lượng này đối đầu với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria và rơi vào thế cầm cự với lực lượng chính phủ Syria ở phía đông nam.

Mỹ ‘tân trang’ người Kurd làm Nga, Thổ và Syria ‘bó tay’ - Ảnh 4.

Quân đội Nga ở Syria cũng “bó tay” trước người Kurd (Nguồn: Xinhua).

Nga, Thổ và Syria bất lực trước đội quân của Mỹ

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, Mỹ đang thể hiện như một “bậc thầy” trong chiến tranh ủy nhiệm ở Syria. Các bên tham chiến ở Syria đều “nóng mắt” với đội quân của Mỹ.

Ngoài Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước phản ứng mạnh mẽ nhất đối với việc Mỹ biến lực lượng vũ trang người Kurd thành "lính biên phòng".

Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo vì vi phạm trắng trợn chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Syria và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định: "Nhiệm vụ của chúng tôi là bóp nghẹt đội quân này từ trong trứng nước". Có lẽ vì áp lực từ nhiều bên, Lầu Năm Góc đã buộc phải tuyên bố, Mỹ sẽ không hỗ trợ các lực lượng vũ trang người Kurd.

Trên thực tế, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tranh cãi về tính hợp pháp của các lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Quân đội Dân chủ chỉ là một nhánh của "tổ chức khủng bố" Đảng Công nhân Kurd (PKK) ở Syria, nhưng Mỹ đã cố tình “làm ngơ”.

Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang phát triển quan hệ với Nga. Hành động “độc bước” của Thổ Nhĩ Kỳ đã kích thích Mỹ tiến xa hơn trong vấn đề người Kurd, với ý đồ tạo ra "vết loét người Kurd" cho các quốc gia ở Trung Đông.

Các chuyên gia quân sự Nga chỉ ra rằng, toàn bộ lãnh thổ do người Kurd quản lý thuộc bờ phía đông của sông Euphrates, không chỉ có tác động trực tiếp đến việc cung cấp nước ngọt ở Syria, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu Iraq.

Chừng nào người Kurd còn quản lý khu vực này thì Mỹ vẫn giữ được “át chủ bài” chống lại các bên ở Syria.

Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu đựng các cuộc tấn công PKK trong nhiều năm qua. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động Chiến dịch Euphrates Shield năm 2016, trên danh nghĩa là tấn công IS nhưng thực chất là thiết lập “khu an toàn” ở phía Bắc Syria để “cách ly” người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Mỹ nhấn mạnh rằng "đội quân biên giới" được sử dụng để kiểm soát biên giới Syria- Iraq nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, không sớm thì muộn, lực lượng này sẽ được triển khai ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Nga cũng nổi nóng, ông Shamanov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga chỉ ra rằng, mục đích thành lập "đội quân biên giới" với nòng cốt là người Kurd của Mỹ nhằm tiếp tục phá hoại tình hình ở Syria và cuối cùng lật đổ chế độ hợp pháp của Syria.

Tuy nhiên, đến nay Nga vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này.

Về phía chính phủ Syria, chiến lược hiện tại của lực lượng này là quét sạch phe đối lập vũ trang ở miền trung và miền tây Syria và đảm bảo an ninh cho khu vực kiểm soát cốt lõi của mình.

Trong tương lai, có khả năng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ kiểm soát vùng Trung - Tây, và khu vực phía Đông, Bắc Syria sẽ rơi vào tay người Kurd.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đối lập Syria sẽ tiếp tục tồn tại ở dải hẹp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại