B-1 là bước đệm công nghệ giữa B-52 và B-2
Mỹ bắt đầu phát triển máy bay ném bom siêu âm hạng nặng B-1 từ giữa những năm 1960. Các nhà thiết kế Mỹ đã cố gắng tích hợp nhiều nhất có thể những công nghệ hàng không tiên tiến ở thời điểm đó lên chiếc máy bay chiến lược này. Washington rất kỳ vọng vào việc máy bay B-1 sẽ có được khả năng tàng hình để tạo ra ưu thế chiến lược với Liên Xô trong chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, những giới hạn về công nghệ và định hướng lấy tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Mỹ đã khiến máy bay ném bom B-1 không còn nằm trong danh sách ưu tiên của Lầu Năm góc. Dòng máy bay này sau đó được xác định đơn giản là điểm tiếp nối công nghệ giữa pháo đài bay B-52 Stratofortress và máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.
Sự thay đổi ưu tiên chiến lược của Mỹ đã nhanh chóng ảnh hưởng tới quá trình phát triển và hoàn thiện công nghệ của máy bay B-1. Dù các nguyên mẫu của dòng máy bay ném bom này sớm được giới thiệu trong thập kỷ 1970, nhưng việc hoàn thiện và sản xuất hàng loạt chúng luôn bị đình trệ và tạm hoãn nhiều lần.
Máy bay ném bom B-1 Lancer có “cơ hội thứ 2” trong những năm 1980. Quân đội Mỹ đã chấp nhận đưa B-1 vào trang bị, nhưng nhiệm vụ của nó đã bị thay đổi và hạ cấp. Thay vì trang bị khả năng bay cao để mang vũ khí chiến lược, máy bay B-1 được giao nhiệm vụ đột kích tầm thấp bằng tốc độ cao để phá hủy hệ thống phòng không của đối phương.
Yêu cầu nhiệm vụ này, B-1 được trang bị hàng loạt công nghệ đối kháng phòng không tầm thấp vốn chỉ được trang bị trên các dòng máy bay chiến thuật.
Hiện tại, B-1 Lancer là dòng máy bay duy nhất của Quân đội Mỹ còn sử dụng cơ cấu cánh cụp, cánh xòe giúp chúng có khả năng hoạt động linh hoạt ở mọi dải tốc độ.
Nó cũng được “thừa hưởng” thành quả công nghệ từ sự kỳ vọng trong quá khứ của giới chức quân sự Mỹ là lớp phủ tàng hình có khả năng hấp thụ sóng radar và cách bố trí cửa hút động cơ, hệ thống radar giảm phát xạ tín hiệu.
So với người tiền nhiệm B-52, B-1 thực sự là bước tiến công nghệ lớn của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không là gì so với máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.
Trong chiến tranh Lạnh, các máy bay B-1B được định vị nhiệm vụ là mang vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan vỡ, nhiệm vụ tập kích chiến thuật đường không của máy bay ném bom này được loại bỏ.
Điều này đồng nghĩa với việc máy bay B-1 không còn được trang bị vũ khí hạt nhân và chỉ còn mang bom, tên lửa thông thường cho các nhiệm vụ cấp chiến thuật.
Sự trở lại của B-1B Lancer?
Các máy bay ném bom B-1B đã góp mặt hầu hết trong các chiến của Mỹ kể từ năm 1980 tới nay, như tại Liên bang Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Syria. Không quân Mỹ hiện có sở hữu tới 62 máy bay B-1 và chúng được lên kế hoạch tiếp tục phục vụ tới những năm 2030 và được thay thế bởi các máy bay ném bom tương lai B-21 Raider.
Xét về mặt kỹ thuật, máy bay B-1 hiện đã lạc hậu và ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn trong quá trình hoạt động. Trong suốt gần 3 thập kỷ phục vụ, đã có 10 chiếc B-1 gặp nạn làm 17 phi công thiệt mạng.
Một trong những sự cố mới nhất của máy bay B-1 là vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Texas hồi tháng 5-2018. Sau khi điều tra, giới chức quân sự Mỹ kết luận, máy bay B-1 có nhiều vấn đề kỹ thuật không đảm bảo và các chuyến bay của dòng máy bay ném bom này tạm đình chỉ.
Với sự phát triển của các dòng vũ khí siêu vượt âm tương lai, dòng máy bay ném bom siêu âm như B-1 lại đứng trước một cơ hội mới. Chúng có thiết kế và tính năng kỹ thuật đáp ứng được học thuyết tấn công nhanh toàn cầu – GSP của Mỹ.
Với yêu cầu nhiệm vụ mới, các máy bay B-1 sẽ giảm khoảng 1 nửa khối lượng vũ khí mang theo (khoảng 15 tấn) do các đơn vị vũ khí siêu vượt âm cần thiết kế đặc biệt đặt trong khoang kín dưới bụng máy bay.
Tuy nhiên, đây có thể coi là sự trở lại của B-1B Lancer, khi nó được mang vũ khí cấp chiến lược đúng nghĩa. Liệu sự trở lại với nhiệm vụ cấp chiến lược của các máy bay B-1 có hiệu quả hay không sẽ cần thời gian để trả lời…