Theo báo cáo mới đây của Bloomberg News, Lục quân Mỹ đang có kế hoạch triển khai một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ ở Thái Bình Dương để chuyên phụ trách thực hiện các hoạt động tình báo, tác chiến điện tử, tác chiến mạng và tấn công tên lửa để chống lại Trung Quốc, Nga.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cùng ngày cũng đã giải thích cách lực lượng này hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lục quân Mỹ có kế hoạch triển khai một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ ở Thái Bình Dương. Nguồn: Huanqiu.
Theo ông McCarthy, lực lượng đặc nhiệm này có thể sẽ đóng quân ở Philippines hoặc các hòn đảo phía đông Đài Loan. Về mặt vũ khí, các vũ khí tầm xa có độ chính xác cao như tên lửa vượt siêu âm sẽ là vũ khí chủ lực của lực lượng này để tạo ra điểm đột phá cho Hải quân và Không quân Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Đơn vị này sẽ được trang bị đủ mạnh để "triệt tiêu" sức mạnh và vũ khí của Trung Quốc và Nga tại khu vực. Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang bố trí nhiều binh lực nhằm ngăn chặn kế hoạch "Ấn Độ - Thái Binh Dương" của Mỹ, trong đó chủ yếu là ngăn chặn hạm đội tàu sân bay Mỹ tiếp cận lục địa châu Á.
Bản đồ các căn cứ Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: Huanqiu.
Để thực hiện kế hoạch này, Lục quân Mỹ và Cục Trinh sát Quốc gia đã đạt được thỏa thuận mới nhằm phát triển vệ tinh quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để hỗ trợ kế hoạch này, theo đó Cục Trinh sát Quốc gia Mỹ sẽ phụ trách nghiên cứu và phát triển vệ tinh gián điệp.
Đánh giá về kế hoạch của Lục quân Mỹ, Tạp chí Expert Nga cho rằng, kế hoạch này sẽ khó có thể thực hiện trong tương lai gần, do hiện Mỹ chưa có vũ khí vượt siêu âm, đây là loại vũ khí chủ lực trong kế hoạch của Mỹ. Sự thật là Mỹ khó có thể có loại vũ khí này trong 1-2 năm tới.
Vũ khí vượt siêu âm là loại vũ khí chủ lực trong kế hoạch của Mỹ. Nguồn: Huanqiu.
Để phát triển vũ khí vượt siêu âm đòi hỏi phải giải quyết được hai "nút thắt cổ chai". Thứ nhất là vật liệu và thứ hai là khả năng điều khiển.
Khi một thiết bị bay vượt siêu âm phi hành, xung quanh thiết bị này sẽ hình thành một đám mây điện tử, điều này sẽ cản trở việc truyền tín hiệu và thiết bị này sẽ mất kiểm soát. Hiện nay Mỹ chưa chế tạo ra được vật liệu nào có thể giải quyết vấn đề này.
Nga đã tiến hành nghiên cứu, phát triển vũ khí vượt siêu âm từ rất sớm, đây chính là lợi thế của Nga, thậm chí ngay từ những năm 1970 và 1980 đã thực hiện thử nghiệm bay vượt siêu âm.
Phải đến năm 2000 thì Mỹ mới bắt đầu nghiên cứu, đầu tiên là tiến hành nghiên cứu khoa học, sau đó thử nghiệm, tuy nhiên tất cả đều thất bại. Dù cho Mỹ đủ khả năng chế tạo ra động cơ cần thiết, nhưng trên phương diện vật liệu, Mỹ vẫn lạc hậu nhiều so với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực khống chế thiết bị vượt siêu âm.
Mỹ vẫn lạc hậu nhiều so với Nga trong lĩnh vực vũ khí vượt siêu âm. Nguồn: Huanqiu.
Mỹ đang tích cực nghiên cứu và phát triển vũ khí vượt siêu âm, nhưng trong 1-2 năm tới, nước này chỉ có thể phát triển các nguyên mẫu với tầm bắn hạn chế và thời gian bay ngắn. Nguyên mẫu có thể bay với tốc độ siêu âm trong thời gian ngắn nhất chưa đến một phút và tầm bắn sẽ không vượt quá 1.000 km.
Từ tháng 6/2019, Cục Nghiên cứu Thiết kế cấp cao Quốc phòng Mỹ, Raytheon và Công ty liên hợp kỹ thuật đang tích cực tiến hành nghiên cứu và phát triển để cải thiện khả năng kỹ thuật. Nhưng dù thế nào thì các nguyên mẫu vẫn sẽ mất vài năm để thử nghiệm.