Tên lửa phòng không S-500: "Cơn ác mộng" của tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ?

Tiến Minh |

Nếu hệ thống tên lửa phòng không tầm cao S-500 của Nga được thử nghiệm thành công, liệu đó có phải là "cơn ác mộng" đối với các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ?

S-500 - Hệ thống phòng không tầm cao được tăng cường tính năng

Ngay sau khi triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 đầu tiên vào năm 2007, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo mới có tên mã S-500 Prometheus. Theo tiết lộ của Nga, hệ thống có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo, vệ tinh có quỹ đạo thấp và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm.

Nếu những thông tin ở trên là đúng, thì hệ thống tên lửa phòng không S-500 về cơ bản có thể được xem giống như hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao THADD của Mỹ nhưng được tăng cường thêm tính năng.

Một sự thật ít biết về hệ thống phòng không S-500 đó là, dự án ban đầu được lên kế hoạch sản xuất từ ​​năm 2016 đến 2017, dự kiến đến năm 2020 đưa vào biên chế khoảng 10 tiểu đoàn nhưng thực tế cho đến tận hôm nay, do nhiều yếu tố khác nhau, S-500 vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Vậy S-500 có phải là cơn ác mộng đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ hay không?

Theo những thông tin được tiết lộ, S-500 không phải là bản nâng cấp của S-400 mà là thiết kế hoàn toàn mới, được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nên hệ thống có khả năng đánh chặn không chỉ các mục tiêu như tên lửa đạn đạo mà còn cả mục tiêu tàng hình.

Với mục tiêu là tên lửa đạn đạo, radar của S-500 có thể phát hiện từ cự ly 1.300 đến 2.000 km; có thể theo dõi đồng thời 5-20 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn từ 5 đến 10 mục tiêu cùng một lúc; phạm vi đánh chặn tối đa là hơn 500 km, độ cao đánh chặn tối đa đến 40 km; có thể đánh chặn với các mục tiêu có tốc độ từ Mach 3 đến Mach 5.

Với những tính năng này, S-500 thực sự giống như một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa, nhằm mục đích phòng thủ tên lửa đạn đạo hơn. Thực tế, mục đích phát triển S-500 cũng nhằm thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-135 bảo vệ Thủ đô Moscow, chứ không phải là vũ khí đặc hiệu để tiêu diệt mục tiêu tàng hình của Mỹ.

Tên lửa phòng không S-500: Cơn ác mộng của tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ? - Ảnh 1.

Đồ họa hệ thống phòng không S-500

Có cần thiết phải thiết kế kiểu "2 trong 1"?

Dưới góc độ kỹ thuật, hệ thống radar, tên lửa dùng để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tàng hình và tên lửa đạn đạo thực sự hoàn toàn khác nhau.

Với mục tiêu tàng hình, việc phát hiện, khóa và tiêu diệt mục tiêu đòi hỏi phải có những loại radar đặc biệt còn với mục tiêu tên lửa đạn đạo, đường bay mục tiêu tương đối ổn định, tốc độ cao, do đó phải sử dụng những radar công suất lớn, để phát hiện tên lửa đạn đạo ở khoảng cách xa, nhằm đưa ra cảnh báo sớm và đánh chặn.

Nhưng làm thế nào để phát hiện ra và ngăn chặn máy bay tàng hình? Đây là bài toán khó giải của tất cả các hệ thống phòng không hiện nay nhất là khi máy bay tàng hình được trang bị vũ khí siêu vượt âm, thì việc đối phó với nó càng trở lên khó khăn hơn bao giờ hết.

Với một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến, hoàn toàn có khả năng vừa phát hiện được mục tiêu tàng hình và tên lửa đạn đạo cùng một lúc nhưng ý tưởng theo đuổi nhiều mục đích sử dụng trong một hệ thống phòng không chắc chắn sẽ khiến các nhà thiết kế phải có sự đánh đổi, như vậy sẽ làm giá thành hệ thống đội lên rất nhiều.

Lấy S-500 làm ví dụ, hệ thống này bao gồm 8 phương tiện khác nhau, được gắn trên các xe tải việt dã đặc biệt. Trong số đó, bệ phóng tên lửa được vận chuyển bằng xe tải BAZ-69096 cấu hình 10×10; hai hệ thống chỉ huy được gắn trên xe tải BAZ-69092-12 6x6; radar thu thập và quản lý chiến đấu 91N6A (M) được gắn trên xe BAZ-6403.01 8x8;

Ngoài ra, radar tìm kiếm 96L6-TSP, radar đa chế độ 76T6 và radar phát hiện tên lửa đạn đạo cũng được đặt trên khung gầm xe tải đặc biệt 8x8 và 10x10; toàn bộ hệ thống có khả năng cơ động rất cao.

Trong khi đó, hệ thống phòng không và chống tên lửa S-400 trước đây gắn trên 6 xe đặc chủng. Như vậy trên thực tế, S-500 bổ sung thêm một đài chỉ huy và radar chống tên lửa đạn đạo, ngoài ra, S-500 không bổ sung thêm radar đặc biệt để có thể phát hiện mục tiêu tàng hình.

Đánh giá tổng thể, toàn bộ radar và tên lửa của hệ thống S-500 có thiết kế thiên về đánh chặn tên lửa đạn đạo và các mục tiêu có tốc độ siêu thanh. Các chuyên gia quân sự dự đoán, khả năng tìm và khóa các mục tiêu tàng hình của S-500 là không mạnh.

Còn tại sao có lập luận cho rằng, S-500 có khả năng chống mục tiêu tàng hình? Lý do là S-500 có radar với phạm vi phát hiện mục tiêu lên tới 2.000 km, độ cao có thể phát hiện được những vệ tinh có quỹ đạo thấp; và một trong những kẻ thù của máy bay tàng hình chính là radar tầm xa.

Tên lửa phòng không S-500: Cơn ác mộng của tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa S-400 hoàn toàn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tàng hình

Dù tầm phát hiện lên đến 2.000 km nhưng rõ ràng radar của S-500 chưa vượt qua ngưỡng của radar trên đường chân trời. Ngược lại, triển vọng chống mục tiêu tàng hình của các hệ thống phòng không của Nga trước đó như S-400, S-300 và S-350 rõ ràng là rộng hơn.

Lý do là radar và tên lửa của các hệ thống này có thể được triển khai với số lượng lớn, do vậy mang lại lợi thế về số lượng cũng như chi phí khi đối mặt với các mục tiêu tàng hình. Các hệ thống cung cấp hình ảnh radar từ nhiều góc độ, từ đó có thể giúp các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa phòng không tìm thấy, khóa bắn và tiêu diệt mục tiêu tàng hình.

Như vậy về lý thuyết, các hệ thống phòng không chống mục tiêu tàng hình và đánh chặn tên lửa đạn đạo hoàn toàn có thể tích hợp trong cùng một hệ thống nhưng nếu như vậy sẽ làm hệ thống cồng kềnh, giá thành cao.

Hệ thống S-500 với mục đích thiết kế nhằm thay thế hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao kiểu cũ, thì việc tích hợp đánh chặn mục tiêu tàng hình thực sự là không cần thiết, vì Nga hiện có các hệ thống phòng không trước đó hiệu quả và kinh tế hơn.

Do vậy, nếu Nga có thử nghiệm thành công hệ thống phòng không S-500 thì cũng chưa phải là cơn "ác mộng" với máy bay tàng hình của Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại