Binh sỹ Ukraine tập trận với xe tăng trong bối cảnh xung đột gia tăng tại phía Đông. Ảnh: AFP
Trò chơi đấu trí giữa Biden và Putin
Cuộc chiến tâm lý giữa Mỹ và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đang ngày càng leo thang. Tổng thống Joe Biden – người được sự ủng hộ của phương Tây đang bị kẹt trong một cuộc đối đầu mới Tổng thống Nga Putin.
Cả hai đều không muốn bị tỏ ra yếu thế trước đối thủ. Nói cách khác, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đang chơi trò đấu tay đôi căng thẳng nhất kể từ khi Liên Xô tan rã, để thử thách ý chí của nhau.
Mỹ sẽ không chấp nhận các đòi hỏi mà Tổng thống Putin đưa ra trong đó có việc yêu cầu NATO không mở rộng về phía Đông, bởi điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến NATO, ảnh hưởng uy tín và sức mạnh của Washington trên toàn cầu.
Song những lời đe dọa của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay chưa từng có đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, cùng nỗ lực yêu cầu Tổng thống Putin rút quân ra khỏi biên giới đã không có kết quả. Chính phủ Ukraine cho biết, Nga đã gần hoàn tất việc triển khai các lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện.
Trong khi đó, người đứng đầu Điện Kremlin đang khiến thế giới phải đoán già đoán non về ý định của ông. Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Putin cố tình tạo ra mối đe dọa tấn công để giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Những người khác cho rằng, đây là cách để ông củng cố vị thế ở trong nước. Với việc Mỹ và phương Tây liên tiếp từ chối yêu cầu của ông và quá nhiều tính toán bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng này, nhiều khả năng, ông Putin sẽ không chịu rút lui.
Các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và phương Tây trong những ngày qua đã thất bại. Nga cảnh báo nước này đang mất dần kiên nhẫn và mô tả tình hình tại Ukraine là “vấn đề sống còn”. Moscow khẳng định sẽ sẵn sàng triển khai các phương tiện “quân sự-kỹ thuật” để theo đuổi mục tiêu của mình.
Vậy Mỹ và đồng minh có thể hành động như thế nào nếu hoạt động triển khai lực lượng của Nga dọc biên giới với Ukraine biến thành một cuộc tấn công thực sự?
Tổng thống Biden nhiều lần tuyên bố không có kế hoạch điều quân đến Ukraine để đáp trả một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào quốc gia láng giềng. Nhưng ông có thể theo đuổi một số lựa chọn quân sự ít kịch tính hơn, trong đó có việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.
Đánh giá về khả năng Mỹ bị kéo vào xung đột trực tiếp giữa Nga-Ukraine
Lý do Mỹ không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine rất dễ hiểu. Bởi Washington không có bất cứ hiệp ước phòng thủ chung nào với Ukraine, hơn nữa chiến tranh với Nga sẽ là một canh bạc lớn, có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu, gây bất ổn trong khu vực, và viễn cảnh đáng sợ hơn là sự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Chưa kể, cuộc chiến chống lại Nga ở Ukraine có thể trói chân các lực lượng và nguồn lực của Mỹ ở đây trong nhiều năm, gây thiệt nặng nề về người và của, với một kết quả không có gì khả quan tương tự như cuộc chiến ở Afghanistan. Điều này sẽ làm phức tạp thêm những thách thức mà Mỹ đang đối mặt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang tập trung vào Trung Quốc, coi đây là mối đe dọa chính về an ninh.
Nhưng nếu hành động quá ít cũng có những rủi ro. Bởi điều đó sẽ khiến Nga thấy rằng chiến lược của họ đang phát huy hiệu quả và Moscow có thể thực hiện động thái tương tự trong tương lai để đối phó với các quốc gia khác ở Đông Âu như Estonia, Latvia và Litva– vốn là thành viên của NATO.
Tổng thống Biden cho rằng lãnh đạo Nga nhiều khả năng không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng vẫn chưa rõ ông Putin sẽ sử dụng lực lượng được tập hợp gần biên giới Ukraine như thế nào. Trước đó, Mỹ và NATO đã nhiều lần bác bỏ cái mà Nga cho là “lằn ranh đỏ” của nước này, bao gồm việc đảm bảo NATO không mở rộng về phía Đông và không hiện diện quân sự tại Ukraine.
Ván cược trong cuộc khủng hoảng Ukraine là rất lớn về cả mặt quân sự lẫn chính trị. Các nhà lập pháp đã chỉ trích cách tiếp cận của ông Biden đối với Nga. Thượng nghị sỹ James Inhofe của Oklahoma – thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban quân vụ Thượng viện chỉ trích Tổng thống Biden “vừa đấm vừa xoa” đối với Nga, song nhà lập pháp này không hối thúc điều quân tham chiến.
Còn Hạ nghị sĩ Jim Himes, thành viên đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện thì khẳng đinh sự cấp thiết của việc điều động lực lượng huấn luyện và thiết bị quân sự tới Ukraine.
Liên quan đến vấn đề này, Philip Breedlove, cựu chỉ huy hàng đầu của NATO ở châu Âu từ năm 2013 đến năm 2016 cho rằng, ông không mong chờ hoặc khuyến nghị Mỹ điều quân tham chiến tới Ukraine. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh nên tìm cách giúp Ukraine bảo vệ không phận và lãnh hải – những mà nơi nước này phải đương đầu với ưu thế vượt trội của Nga.
Những lựa chọn khác của Tổng thống Biden
Trong 8 năm qua, quân đội chính phủ Ukraine đã có kinh nghiệm chiến đấu và sự chuẩn bị về vũ khí, cơ sở hạ tầng, lực lượng sau các cuộc giao tranh với phe ly khai ở miền Đông nước này. Nhưng xét về số lượng binh sỹ, vũ khí cũng như hỏa lực, Ukraine vẫn không thể sánh với Nga.
Do yếu thế về mặt quân sự, nên Ukraine không thể một mình đương đầu với các cuộc tấn công của Nga. Nhưng với sự giúp đỡ của Mỹ và nhiều nước khác, Ukraine có thể ngăn bước tiến của Tổng thống Putin nếu nhà lãnh đạo Nga nhận thấy hậu quả do chiến tranh gây ra là quá lớn.
Ông Seth Jones – Cựu quan chức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho rằng: “Chìa khóa để ngăn tham vọng của Nga là khiến Moscow không thể có được chiến thắng nhanh chóng, đồng thời khiến nước này chịu tổn thất lớn bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế, cô lập về chính trị và thương mại”. Chính quyền Biden cho biết họ cũng đang suy tính theo cách tương tự.
Theo Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby, Mỹ đã điều khoảng 200 lính vệ binh quốc gia và đặc nhiệm tới Ukraine để huấn luyện quân đội nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng điều thêm lính đặc nhiệm tới Ukraine nhưng con số này không được tiết lộ.
Ông John Kirby không nêu rõ liệu Mỹ có rút quân trong trường hợp Nga tấn công Ukraine hay không, song lưu ý, Lầu Năm Góc "sẽ đưa ra tất cả các quyết định phù hợp và đúng đắn để đảm bảo người dân của chúng tôi được an toàn trong bất kỳ trường hợp nào”.
Chính phủ Mỹ ngày 19/1 cho biết, nước này đang cung cấp thêm 200 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Kể từ năm 2014, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ quốc phòng trị giá 2,5 tỷ USD, trong đó có tên lửa chống tăng và radar.
Mỹ có thể hỗ trợ Ukraine thế nào trong trường hợp chiến tranh nổ ra?
Điều này vẫn chưa rõ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuần trước cho biết Mỹ sẽ “tăng cường đáng kể” sự ủng hộ đối với “toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của Ukraine. Nhưng ông không giải thích sẽ thực hiện kế hoạch như thế nào.
Chính quyền Biden cũng cho biết sẽ sẵn sàng gửi quân tiếp viện cho các đồng minh NATO ở mặt trận phía Đông – những nước mà Mỹ đang cố gắng trấn an trước mối lo ngại về hành động của Nga.
Hai chuyên gia Jones và Wasielewski cho rằng, ngoài việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga trong trường hợp xung đột xảy ra, Mỹ nên cung cấp sự hỗ trợ quân sự miễn phí cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng và chống hạm; hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí nhỏ và đạn pháo, cùng nhiều loại khác.
“Mỹ và NATO nên chuẩn bị khả năng hỗ trợ lâu dài cho Ukraine cho dù chiến tranh diễn ra dưới bất cứ hình thức nào. Các khoản viện trợ có thể được chuyển giao công khai dưới sự trợ giúp của quân đội Mỹ, hoặc chuyển giao bí mật dưới sự hỗ trợ của CIA”. Tuy nhiên, hành động đó có nguy cơ khiến các binh sỹ Mỹ bị lọt vào tầm ngắm và khiến Washington rơi vào một cuộc chiến mà nước này luôn muốn tránh./.