Mỹ sẽ có động thái gì tiếp theo khi Ukraine tăng cường phản công Nga?

Mai Trang |

Dù Ukraine đã có cuộc phản công tại miền Đông vào tuần trước, giành lại nhiều phần lãnh thổ, Mỹ cho rằng chiến dịch quân sự vẫn sẽ diễn ra căng thẳng trong nhiều tháng tới với việc Nga và Ukraine đều phải chịu tổn thất.

Mỹ thận trọng trước bước tiến của Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ chưa thể kết thúc trong tương lai gần.

Mỹ sẽ có động thái gì tiếp theo khi Ukraine tăng cường phản công Nga? - Ảnh 1.

Đoàn xe quân sự Nga tiến về khu vực Kharkiv của Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ukraine thông báo lực lượng vũ trang của họ đã giành lại quyền kiểm soát hơn 3.000 km2 kể từ đầu tháng 9 đến nay. Ukraine đã giành lại được hầu hết các vùng lãnh thổ ở phía Bắc và Đông vùng Kharkiv, khu vực mà Nga kiểm soát từ giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ rút lực lượng khỏi hai khu vực ở miền Đông Kharkiv, cho rằng việc rút quân là một chiến thuật “tập hợp lại lực lượng”.

Giới chức Mỹ cho rằng mặc dù quân đội Ukraine đã đạt được bước tiến tốt trong các cuộc phản công so với những gì Washington dự đoán, nhưng Kiev sẽ phải đối mặt với giai đoạn giao tranh dữ dội vào mùa đông tới.

“Rõ ràng là Ukraine đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể, nhưng tôi nghĩ đây sẽ là một chặng đường dài”, Tổng thống Mỹ Biden nói khi được hỏi liệu đợt phản công lần này của Ukraine có phải là một bước ngoặt của cuộc chiến.

Một quan chức cấp cao Mỹ hôm 15/9 cho rằng, trong khi các lực lượng Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể đảo ngược những tiến bộ của Nga, Moscow vẫn duy trì một lực lượng mạnh trong chiến dịch quân sự.

“Nga có trang thiết bị đáng kể, vũ khí và đạn dược ở các vùng lãnh thổ do họ kiểm soát ở Ukraine, chưa kể những thứ họ có sẵn. Bởi vậy, cuộc chiến có thể còn lâu mới kết thúc bất chấp sự phản công mạnh mẽ của Ukraine”, vị quan chức nói.

Washington Post nhận định rằng, những kỳ vọng đó dường như thúc đẩy cho chiến lược của Mỹ trong việc cố gắng hỗ trợ quốc tế và dần mở rộng viện trợ quân sự cho Ukraine. Điều này có thể gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Để đáp trả chiến dịch phản công của Ukraine, Nga tuyên bố tấn công trên toàn chiến tuyến. “Các lực lượng không quân, pháo binh, rocket của chúng tôi đã tấn công quy mô lớn nhằm vào các đơn vị quân sự của Ukraine theo mọi hướng”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Các quan chức Mỹ dự đoán Nga và Ukraine sẽ tiếp tục giao tranh dữ dội trong khoảng thời gian còn lại của mùa thu bởi cả hai bên đều cố gắng đạt được vị thế tốt nhất trước khi mùa đông tới. Thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông sẽ khiến việc vận chuyển các nguồn tiếp tế quan trọng và việc chiến đấu trở nên khó khăn hơn.

Các lực lượng Nga hiện vẫn kiểm soát các khu vực rộng lớn của Ukraine, bao gồm các thành phố Kherson, Melitopol, Mariupol và Crimea. Giới chức Mỹ cho rằng Nga có thể sử dụng khoảng thời gian lạnh giá nhất trong mùa đông để tái trang bị quân đội trước khi khởi động một chiến dịch mới vào mùa xuân.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, họ đang tìm cách hỗ trợ các nhu cầu quốc phòng của Ukraine, tập trung vào các lĩnh vực bao gồm khả năng phòng không, giám sát và chiến đấu cơ. Cho đến nay, tổng viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Ukraine lên tới khoảng 15 tỷ USD, kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở nước láng giềng.

Bất chấp những lời kêu gọi liên tục của Ukraine về các vũ khí mới và hiện đại hơn, Mỹ không có kế hoạch mở rộng ngay lập tức loạt vũ khí mà họ đang cung cấp cho Kiev, bao gồm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao và hệ thống tên lửa phóng loạt. Mỹ hiện không cung cấp tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa hơn cho Ukraine vì hầu hết các mục tiêu của Nga đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí khác.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo rằng việc cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Ukraine sẽ vượt lằn ranh đỏ đối với Moscow và khiến các quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev trở thành “bên tham gia xung đột”.

Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine?

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Nga và Ukraine để ngăn chặn cuộc chiến vẫn là điều xa vời.

“Cơ hội hiện tại để Ukraine đàm phán là không khả thi. 20% lãnh thổ của họ đã do Nga kiểm soát. 30% tiềm năng công nghiệp và nông nghiệp của Ukraine đã không còn. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang hỗ trợ cuộc phản công này”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Các chuyên gia Mỹ cho biết mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin đã thay đổi liên tục khi tình hình trên chiến trường chuyển biến.

Mục tiêu của Mỹ vẫn là giúp Ukraine đạt được những tiến bộ trên chiến trường nhằm củng cố vị thế trên bàn đàm phán nếu các cuộc đàm phán với Nga diễn ra trong tương lai.

Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ ủng hộ Ukraine trong việc khẳng định độc lập và chủ quyền. Tuy nhiên, ông đã không phản đối rõ ràng mục tiêu khôi phục tất cả lãnh thổ bị Nga kiểm soát, bao gồm cả những khu vực bị chiếm đoạt hoặc tranh chấp kể từ năm 2014.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, một phần quan trọng khác trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giải quyết cuộc xung đột là nỗ lực làm suy yếu lợi thế kinh tế và công nghệ của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt và các hạn chế khác.

Tổng thống Biden sẽ cố gắng tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với quyền tự vệ của Ukraine tại Liên Hợp Quốc vào tuần tới, như một cơ hội để giải quyết những vấn đề do lạm phát toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực liên quan đến cuộc chiến.

Tuy nhiên, các chuyên gia bao gồm Alexander Vershbow, người từng là Đại sứ Mỹ tại Nga và Phó tổng thư ký NATO, nói rằng căng thẳng giữa Nga - Ukraine có thể lên đến đỉnh điểm, chẳng hạn nếu Ukraine phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc giành lại lãnh thổ mà họ kiểm soát trước ngày 24/2 hoặc mục tiêu tái chiếm tất cả các khu vực do Nga kiểm soát kể từ năm 2014.

“Ukraine hiện nay kiên quyết rằng rằng sẽ không nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào, nhưng tại một số thời điểm sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn”, ông Vershbow nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại