Mỹ rút khỏi Syria, Nga nghĩ mình "gặp may" nhưng thực tế lại rủi ro "không tưởng"?

Quốc Vinh |

Để tiếp tục tận dụng tối đa những cơ hội mà bản thân tự tạo ra, sẽ là khôn ngoan nếu Tổng thống Vladimir Putin luôn thận trọng và không ngủ quên trên chiến thắng.

Mặc dù sự thay đổi trong chính sách Trung Đông của Nga đã diễn ra trước thông báo của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân khỏi Syria vào tháng 12, động thái của Mỹ vẫn mang đến những tác động khôn lường dành cho Moscow.

Quyết định bất ngờ của Mỹ trong việc rút khỏi Syria đã tạo tình thế "không chắc chắn" trong vài tuần tới và Nga đang chờ đợi xem quá trình thực hiện của Washington sẽ diễn ra như thế nào.

"Tình hình liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau", Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Ryabkov nói. "Những người ủng hộ việc giữ sự hiện diện của Mỹ ở Syria có vị thế vững chắc ở Washington. Tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ rút lui một cách hoàn toàn…"

Nhiều người ở Moscow vẫn tin rằng quân đội Mỹ, dưới một hình thức nào đó - như lực lượng đặc biệt, các nhà hoạt động của CIA hoặc cố vấn quân sự - sẽ ở lại khu vực này sau khi rút quân để ngăn chặn Iran ở biên giới Syria-Iraq.

Tuy nhiên, tờ Al-Monitor đánh giá, về mặt ngoại giao, điều đó sẽ không thay đổi quá trình hành động chung của Nga trong năm 2019.

Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi các sáng kiến ​​đã đề ra vào năm 2018, với ba trụ cột chính là: Sự ra mắt của ủy ban hiến pháp; sự trở lại của người tị nạn; củng cố uy tín Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cùng với việc theo đuổi các quỹ tái thiết đất nước.

Ở cấp độ khu vực, đối với các mục tiêu đầu tiên, Nga sẽ cần sự hợp tác của đặc phái viên mới của Liên Hợp Quốc tại Syria, Geir Pedersen, cũng như gia tăng liên lạc với các nhóm đối lập.

Mục tiêu thứ hai, Moscow sẽ tìm kiếm một sự hợp tác hiệu quả hơn với các quốc gia đang có nhiều người tị nạn nhất: Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Đối với mục tiêu thứ ba: tài trợ - đây sẽ là lúc người Nga tìm kiếm đến các đối tác vùng Vịnh.

Bên ngoài khu vực, Pháp, Đức và có thể cả Ý, cũng như EU với tư cách là một chủ thể chính trị, được coi là có lợi ích riêng trong mỗi vấn đề trên và do đó dự kiến ​​sẽ cùng đi chung chuyến tàu với Nga.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về việc lấp khoảng trống của Mỹ ở Syria cho thấy khuôn khổ Astana vẫn là nơi tốt nhất để ba nước thảo luận về những bất đồng nội bộ của chính họ và thúc đẩy các chương trình nghị sự tương ứng.

Có rất nhiều mâu thuẫn khiến cho Moscow, Ankara và Tehran có thể trở nên chia rẽ trong suốt cả năm, nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ vẫn là đối tác quan trọng đối với Nga ở Syria. Xa hơn nữa, Moscow sẽ thể hiện cách tiếp cận cứng rắn để đảm bảo các bất đồng được làm dịu đi theo những cách mà các bên có thể chấp nhận được.

Hai xu hướng chiến lược chính đã phát triển vào năm 2018 sẽ xác định mô hình chính sách của Nga cho khu vực.

Đầu tiên, khi Moscow bước vào Syria, ba mục tiêu chính mà nước này phải thực hiện đó là hậu thuẫn cho chính quyền Assad, đánh bại các nhóm được coi là khủng bố và phá vỡ thế cô lập của phương Tây.

Cách tiếp cận của Nga được cho là dựa trên sự "răn đe" của một quyền lực lớn. Hơn ba năm tham gia chiến dịch Syria, chính quyền Assad đã trở nên ổn định - thậm chí có thể coi là mạnh mẽ hơn trước.

Không một nhóm khủng bố nào có thể trở thành một thách thức an ninh quan trọng đối với cả Syria và Nga. Sự năng động trong hoạt động song phương của Nga với các chủ thể khu vực và cách tiếp cận tốt với nhiều quốc gia phương Tây cũng khiến cho sự cô lập dần được loại bỏ.

Mỹ rút khỏi Syria, Nga nghĩ mình gặp may nhưng thực tế lại rủi ro không tưởng? - Ảnh 1.

Châu Âu có thể đi cùng chuyến tàu với Nga.

Sau khi khủng bố dần bị đánh bại, cùng với các lực lượng địch thủ yếu thế, Nga đã chuyển dần cách tiếp cận từ "răn đe" sang "cơ hội".

Hình ảnh mới của nhà môi giới quyền lực trong khu vực đã mang lại hiệu quả cả về mặt an ninh lẫn nhiều lĩnh vực lợi ích khác, như năng lượng, bán vũ khí hoặc xuất khẩu nông sản.

Thứ hai, kể từ giai đoạn đầu, cuộc xung đột ở Syria đã phát triển ở ba cấp độ: quốc tế, khu vực và địa phương.

Các khía cạnh quốc tế của cuộc xung đột được thể hiện dưới hình thức Moscow đứng ra đón nhận vị thế siêu cường toàn cầu mà Washington để lại.

Với việc Mỹ từ bỏ cuộc chơi ở Syria, động thái này được coi là khiến cho cả Nga và Mỹ đều có những mất mát không nhỏ. Nga đã mất đi sự hợp tác vốn được gây dựng lâu năm với Mỹ, trong khi Washington đã thua trong mục tiêu đánh bại tham vọng của Moscow để trở thành quyền lực toàn cầu.

Tuy nhiên, cấp độ khu vực là nơi mà cuộc giằng co chưa bao giờ chấm dứt. Trên thực tế, sự đối đầu này sẽ còn được tăng cường bởi những động thái đến từ phương Tây – trong đó hạn chế những gì liên quan đến sự trỗi dậy của Iran.

Các động lực cấp địa phương đang được dung hòa. Mặc dù vẫn còn nhiều sự phản đối về quyền lực của Tổng thống Assad ở Syria – sự hẫu thuẫn chắc chắn đối với nhà lãnh đạo này sẽ giúp ông ngồi trên chiếc ghế của mình một cách vững vàng.

Tuy nhiên, sự thù địch ở cấp khu vực sẽ đạt đến một tầm cao mới, việc đụng độ giữa các phe nhóm có thể khiến các nhóm khủng bố cực đoan khác được hưởng lợi tối đa.

Tình hình đang thúc đẩy Moscow nên thận trọng đầu tư "nguồn vốn chính trị" của mình vào các cuộc xung đột quan trọng trong khu vực để củng cố hơn nữa vai trò và hình ảnh tương ứng.

Moscow đang lên tiếng về tình trạng của cuộc xung đột ở Yemen, đã gây dựng danh tiếng ở Libya. Tuy nhiên, sân cỏ Trung Đông là một canh bạc trong casino. Một khi người Nga bắt đầu cảm thấy mình đang gặp may mắn, thực tế họ đang ở trong vùng rủi ro để dần mất đi tất cả lợi nhuận của mình.

Để tiếp tục tận dụng tối đa những cơ hội mà bản thân tự tạo ra, sẽ là khôn ngoan nếu Tổng thống Vladimir Putin luôn thận trọng và không ngủ quên trên chiến thắng. Việc rút quân của Mỹ sẽ là thách thức đầu tiên đối với Nga trong năm 2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại