Món quà cho Nga
Trong bài viết gần đây, tờ New York Times đánh giá, có vài điều mà Tổng thống Vladimir V. Putin mong muốn hơn là sự suy yếu của NATO, liên minh quân sự giữa Mỹ, Châu Âu và Canada đã trở thành đối chọi với Liên Xô và Nga trong 70 năm qua.
Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất một động thái mà nhiều người coi là hành động hủy diệt NATO: sự rút lui của Mỹ khỏi tổ chức quân sự lớn nhất thế giới.
Các quan chức chính quyền cấp cao nói với New York Times rằng, nhiều lần trong suốt năm 2018, ông Trump đã bày tỏ ý định muốn rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Các quan chức hiện tại và trước đây ủng hộ liên minh này cho biết, họ sợ ông Trump có thể đưa lời đe dọa của mình thành hiện thực khi chi tiêu quân sự của đồng minh tiếp tục tụt dốc so với các mục tiêu mà tổng thống đã đặt ra.
Michèle A. Flournoy, quan chức quốc phòng cấp cao dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết, một động thái rút khỏi liên minh lâu đời sẽ là một trong những điều tai hại nhất mà bất kỳ tổng thống nào cũng có thể làm đối với lợi ích của Mỹ.
"Động thái đó sẽ phá hủy hơn 70 năm làm việc cật lực của nhiều chính quyền Cộng hòa và Dân chủ nhằm tạo ra một liên minh hùng mạnh và có lợi nhất trong lịch sử. Và đó sẽ là thành công điên rồ nhất mà Tổng thống Vladimir Putin có thể mơ ước", bà Flournoy nói trong một cuộc phỏng vấn.
Đô đốc đã nghỉ hưu James G. Stavridis, cựu chỉ huy đồng minh tối cao của NATO, cho biết một sự thoái lui của Mỹ khỏi liên minh sẽ là một sai lầm địa chính trị khủng khiếp.
"Ngay cả khi ý tưởng rời khỏi NATO mới chỉ đang thảo luận, nó đã là món quà thế kỷ cho Putin", Đô đốc Stavridis nói.
Theo các nguồn tin nội bộ, các quan chức cao cấp của chính quyền Trump đã thảo luận về nỗ lực để duy trì liên minh quân sự này.
Sau khi Nhà Trắng được yêu cầu bình luận về thông tin rút khỏi NATO hôm 14/1, một quan chức chính quyền cấp cao đã nhắc lại những nhận xét của ông Trump vào tháng 7 khi ông gọi cam kết của Mỹ đối với NATO "rất mạnh mẽ" và liên minh "rất quan trọng".
Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ tin rằng Nga đang tập trung vào mục tiêu làm suy yếu tình đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, mà trong đó quan trọng nhất là NATO, liên minh mà Moscow coi là mối đe dọa.
Các quan chức Mỹ cho biết, những nỗ lực ngăn chặn các quốc gia vệ tinh cũ gia nhập liên minh của Nga là một phần trong động thái này. Những người này nói rằng, với một NATO suy yếu, ông Putin sẽ có nhiều tự do hơn để hành xử theo ý muốn, thiết lập Nga như một đối trọng với châu Âu và Mỹ.
Ý tưởng nguy hiểm
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO năm nay ở Washington sẽ không hoành tráng như cách đây 20 năm.
Khi ông Trump lần đầu tiên nêu ra khả năng rời khỏi liên minh, các quan chức chính quyền cấp cao không chắc chắn liệu ông có thực sự nghiêm túc hay không. Nhưng khi tổng thống nhắc lại ý tưởng nhiều lần, các quan chức cho biết điều đó đã làm tăng sự lo lắng đối với họ.
Việc ông Trump không thích các liên minh nước ngoài và các cam kết của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế là không có gì đáng ngạc nhiên.
Tổng thống đã nhiều lần công khai thách thức hoặc rút khỏi một số quan hệ đối tác quân sự và kinh tế, từ hiệp định khí hậu Paris đến một hiệp ước thương mại châu Á- Thái Bình Dương.
Ông đã đặt câu hỏi về liên minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria mà không hỏi ý kiến các đồng minh.
NATO đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp các nhà lãnh đạo ở Washington để kỷ niệm 70 năm thành lập vào tháng 4, giống như lễ kỷ niệm 50 năm được Tổng thống Bill Clinton tổ chức vào năm 1999.
Nhưng cuộc họp năm nay đã bị hạ cấp xuống thành cuộc họp cấp ngoại trưởng, với việc có các ý kiến lo sợ rằng ông Trump có thể sử dụng cuộc họp thượng đỉnh Washington để gia tăng các cuộc tấn công vào liên minh.
Các nhà lãnh đạo khác hiện đang lên kế hoạch gặp nhau vào cuối năm 2019, nhưng không phải ở Washington.
Năm ngoái, ông Trump phàn nàn rằng các Chính phủ châu Âu đã không chi đủ cho chi phí quốc phòng chung, khiến Mỹ phải mang một gánh nặng ngoại cỡ. Ông bày tỏ sự thất vọng rằng các nhà lãnh đạo châu Âu dường như không muốn chi nhiều hơn cho cam kết của NATO.
Để so sánh, chi tiêu quân sự của Mỹ là khoảng 4% GDP và ông Trump đã chỉ trích các đồng minh vì không đáp ứng mục tiêu chi tiêu của NATO là 2% GDP.
Ông cũng đe dọa rằng Mỹ sẽ đi theo cách riêng của mình vào năm 2019 nếu chi tiêu quân sự từ các quốc gia NATO khác không tăng. Điều này đã khiến các quan chức châu Âu hiểu rằng, một khi vấn đề tiền nong không được giải quyết, ông Trump sẽ lại đưa ra lời hăm dọa rời khỏi liên minh một lần nữa.
Bất kỳ động thái nào của ông Trump chống lại NATO rất có thể sẽ dẫn đến một phản ứng của Quốc hội. Theo Điều 13 của Hiệp ước Washington, một thành viên muốn rút khỏi NATO phải thông báo về ý định của mình trước một năm. Sự chậm trễ này sẽ cho Quốc hội Mỹ thời gian để cố gắng ngăn chặn mọi nỗ lực của ông Trump trong việc rời đi.
Nhưng ngay cả khi Quốc hội chuyển sang ngăn chặn một cuộc thoái lui của người Mỹ với liên minh quân sự lớn nhất thế giới, một tuyên bố của ông Trump về việc muốn rời đi sẽ gây thiệt hại lớn cho NATO.
Các đồng minh cảm thấy lo ngại trước Nga đang ngày càng băn khoăn về việc khi họ gặp vấn đề gì đó, ông Trump liệu có ra lệnh cho quân đội đến trợ giúp họ hay không.