Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Matxcơva lần thứ 8, Phó Tổng cục trưởng thứ nhất Tổng cục chỉ huy tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Viktor Poznikhir, khẳng định Mỹ đã phát triển khái niệm “đánh chặn trước phóng” cho các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Theo ông Poznikhir, Washington hiện đang có kế hoạch tiêu diệt tên lửa của các quốc gia khác ngay từ khi còn ở bệ phóng.
Trung tướng Poznikhir giải thích thêm: “Mỹ dự định sẽ đánh chặn các tên lửa được phóng khi bị tấn công bất ngờ bằng các hệ thống chống tên lửa”.
Theo khẳng định của đại diện Bộ Tổng Tham mưu, với tất cả các bước đi này Mỹ mong muốn có được ưu thế chiến lược khi cuộc đối đầu xảy ra.
Ông Poznikhir nhấn mạnh rằng những quốc gia đang cho Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình sẽ trở thành những mục tiêu tấn công đầu tiên.
Ngoài ra, theo ông, việc triển khai các trang thiết bị phòng thủ tên lửa cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm phóng xạ kéo dài.
Trung tướng xác nhận: “Không chỉ thế, những quốc gia không liên quan đến việc thực hiện kế hoạch chống tên lửa của Lầu Năm Góc vẫn có thể bị ảnh hưởng”.
“Chiến tranh giữa các vì sao”
Cũng theo ông Poznikhir, Mỹ hiện đang tìm cách hồi sinh chương trình “Chiến tranh các vì sao”. Việc đưa các thiết bị phòng thủ tên lửa lên không gian sẽ cho phép Mỹ có thể bắn hạ các loại tên lửa ngay ở giai đoạn phóng.
Trung tướng Poznikhir cho biết: “Không ngoại trừ khả năng Mỹ sẽ sử dụng những thiết bị ngoài không gian để thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào mục tiêu của Nga và Trung Quốc . Còn nếu xét độ bao phủ toàn cầu của các thiết bị đó, đòn tấn công có thể được thực hiện nhằm vào mục tiêu của bất cứ quốc gia nào”.
Tất cả điều này sẽ làm phá vỡ sự ổn định chiến lược và gây bất ổn tình hình ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân
Tướng Poznikhir cũng xác nhận rằng Mỹ đã chính thức nới lỏng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân kể từ khi phát triển đầu đạn hạt nhân năng lượng thấp dành cho loại tên lửa Tomahawk.
Đại diện Bộ Tổng tham mưu Nga kết luận: “Khả năng sử dụng các loại đầu đạn hạt nhân như thế của Lầu Năm Góc sẽ kích thích các quốc gia khác nỗ lực phát triển loại vũ khí tương tự. Kết quả là, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới sẽ bùng nổ”.