Công tác chuẩn bị đã được tổ chức từ nhiều tháng trước, khi hải quân Mỹ bắt đầu tìm một chiếc tàu đã thôi hoạt động, hút hết dầu, hóa chất cùng các chất lây nhiễm khác.
Tàu đổ bộ xe tăng Racine dài 160m, có độ choán nước 5.100 tấn, đã thôi hoạt động và “nằm” cảng ở đảo Kauai (thuộc quần đảo Hawaii) từ 30 năm qua.
Racine là một trong hai tàu nổi được tàu kéo Sioux kéo đến mục tiêu bắn chìm ở cách phía bắc đảo Kauai khoảng 63 dặm.
Tàu kéo Sioux cũng kéo tàu hộ vệ McClusky mang tên lửa hành trình (đã thôi hoạt động) đến điểm bắn chìm, trước khi cuộc tập đánh chìm tàu địch này kết thúc ngày 17.7.
Tàu đổ bộ xe tăng Racine đang được kéo đến điểm bắn - Ảnh: Hải quân Mỹ
Kịch bản phối hợp tác chiến đa chiều để nhấn chìm tàu địch
Kịch bản diễn tập đánh chìm tàu địch gồm một máy bay tuần thám biển P-3 Orion của Nhật tìm cách phát hiện mục tiêu, nhưng vì chiếc P-3 bị trục trặc trong khâu liên lạc, một máy bay không người lái Đại bàng Xám cùng một trực thăng Apache AH-64 của bộ binh Mỹ lãnh nhiệm vụ.
Đại bàng Xám liên lạc với chiếc Apache, và nó truyền thông tin đến trạm nhận liên lạc trên bộ, và trạm lại chuyển đến hệ thống tên lửa Mỹ - Nhật.
Vụ bắn tập nhấn chìm tàu địch diễn ra ngày 12.7, với bộ binh Mỹ phóng một quả Tên lửa Hải quân Tấn công (NSM) từ một xe tải ở Căn cứ tên lửa Thái Bình Dương (ở Hawaii) và bắn trúng tàu đổ bộ xe tăng Racine.
Đại tá Christopher Wendland, chỉ huy nhóm máy bay, nói đây là lần đầu tiên bộ binh Mỹ phóng NSM vốn có tầm bắn 113 dặm.
Cục phòng vệ phóng tên lửa chống hạm Type 12 từ xe tải - Ảnh : Business Insider
Đồng minh Nhật cũng phóng 4 tên lửa chống hạm Type 12 từ xe tải vào chiếc Racine lúc 20 giờ 50 tối 12.7, góp phần bẻ đôi và nhấn chìm chiếc Racine xuống 4.500m dưới Thái Bình Dương, một giờ sau khi quả tên lửa bắn trúng tàu, theo hải quân Mỹ cho biết.
Tướng Robert Brown, chỉ huy bộ binh Mỹ ở Đồn Shafter, nói với báo Honolulu Star-Advertiser (Hawaii): Đây là lần đầu tiên tên lửa của bộ binh Cục Phòng vệ Nhật Bản (GSF) dưới sự kiểm soát của Mỹ trong khi phối hợp với bộ binh, hải quân và không quân Mỹ để tấn công một chiếc tàu đổ bộ xe tăng mà ông ví “như một tàu sân bay không thể đánh chìm”.
Không quân hoàng gia Úc cũng lần đầu tham gia cuộc tập bắn chìm tàu địch này, với một máy bay tuần tám biển P-8A Orion phóng một tên lửa Harpoon, cùng với một quả Harpoon và một ngư lôi MK-48 phóng từ tàu ngầm Olympia của hải quân Mỹ.
Tập đánh chìm tàu địch không mới ở cuộc tập trận hải quân rầm rộ Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ tổ chức 2 năm 1 lần. Nhưng kịch bản đánh chìm tàu mới nhất vào lúc Mỹ - Trung căng thẳng ở Thái Bình Dương, và cuộc diễn tập này cho thấy Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị đối phó các mối đe dọa mới ở Thái Bình Dương.
Cựu chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM), Đô đốc Harry Harris, hồi năm 2016 từng nói: “Các nước như Trung Quốc, Iran và Nga đang thách thức khả năng của chúng ta trong việc triển khai thế lực ở nước ngoài, từ trên biển, thông qua những loại tên lửa chống hạm hiện đại hơn”.
Và một cách đề phòng tên lửa chống hạm Trung Quốc, chính là nhanh chóng triển khai tên lửa tầm xa đặt trên xe tải để bắn tàu địch, như một phương án bổ sung cho các khả năng của không - hải quân Mỹ.
Các lực lượng quân sự có thể tái trữ tên lửa chống hạm trên bộ, đem giấu dàn phóng nhằm giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện.
Giải pháp này phù hợp với một cuộc chiến tranh đa diện, vốn tìm kiếm tầm cỡ hợp tác mới và chia sẻ dữ liệu giữa các binh chủng không - hải quân, bộ binh, thủy quân lục chiến ở trên bộ, trên biển, trên không, không gian và không gian mạng để khai thác các cơ hội trên chiến trường vốn diễn ra nhanh chóng.
Trong một tuyên bố, Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) nói bộ binh Mỹ sẽ giữ vai trò lớn trong các hoạt động hàng hải tương lai: “Hải quân Mỹ sẽ kéo địch vào gần bờ để bộ binh tấn công chúng. Ngược lại, khi bộ binh Mỹ kéo địch ra biển, hỏa lực hải quân có thể tấn công chúng”.
Quân nhân Mỹ bàn kịch bản phóng tên lửa NSM từ xe tải - Ảnh :Bộ Quốc phòng Mỹ
“Trung Quốc kịch liệt hiện đại hóa quân đội, có nghĩa nếu bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ với Trung Quốc, thì phải mất nhiều nguồn lực để phát hiện và tiêu diệt vũ khí của Trung Quốc”, theo cựu đại úy hải quân Carl Schuster, từng chỉ huy tác chiến ở Trung tâm tình báo phối hợp thuộc PACOM, nay là giáo sư trợ giảng ở Đại học Thái Bình Dương Hawaii, nói với trang Military.com.
Vị giáo sư nói thêm: “Chúng ta đối mặt với sự lựa chọn này: phải phát triển các giải pháp mới, sáng tạo để đối phó với những vấn nạn này, và kéo thêm càng nhiều quốc gia đối tác, hoặc bị tự phá sản khi chạy đua theo”.
Mỹ thách đố Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông
Cuộc tập trận hải quân khổng lồ Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) lần thứ 26, do Mỹ dẫn đầu và tổ chức từ ngày 27.6 đến 2.8, với sự tham gia của 25.000 quân từ 25 quốc gia quanh Thái Bình Dương.
Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, do Mỹ dẫn đầu và tổ chức 2 năm/lần, nhằm củng cố quan hệ đối tác và an ninh quanh vùng biển lớn nhất thế giới.
RIMPAC 2018 kéo dài 5 tuần ở vùng biển quanh quần đảo Hawaii và phía nam bang California của Mỹ, với hơn 47 tàu nổi và 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay,với vô số hoạt động như chống ngầm, tên lửa, phòng không, đổ bộ cho đến chống cướp biển.
Hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) không được mời dự RIMPAC. Đây là một cách phản ứng của Mỹ, trước việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Quyết định hủy lời mời Trung Quốc dự RIMPAC 2-18 của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.