Trong bối cảnh các mối đe dọa vũ khí đặt trên Trái Đất bị các hiệp ước hạn chế, nhiều quốc gia bắt đầu tìm kiếm lỗ hổng trong các thỏa thuận để phát triển về mặt vũ khí vượt trội hơn so với đối thủ, bao gồm việc nghiên cứu và phát triển vũ khí động năng ở ngoài không gian.
Theo Đài Sputnik, Dự án "Thor" (Thần Sấm) của Không quân Mỹ là hiện thực hóa tham vọng của quốc gia này khi muốn chế tạo một vũ khí hủy diệt tương đương sức mạnh của một quả bom hạt nhân nhưng không gây ô nhiễm phóng xạ.
Loại vũ khí này của Mỹ không sử dụng bất kỳ chất nổ nào, chính vì vậy về mặt kỹ thuật nó cũng không bị liệt kê vào danh sách cấm theo Outer Space Treaty (Hiệp ước Thượng tầng Không gian).
Đề xuất trong dự án bao gồm việc đặt một loạt cây kim loại Vonfram – kim loại có sức nóng chảy cao nhất trong mọi nguyên tố - ngoài quỹ đạo. Một khi các cây kim loại được thả xuống đúng thời điểm, chúng sẽ tăng dần vận tốc trong suốt quãng đường dài hàng nghìn kilomet xuống Trái Đất.
Truyền thông Mỹ đặt biệt danh cho loại vũ khí tiềm năng này là "Thần sét của Chúa". Sức mạnh của vũ khí này ngang ngửa với mức độ hủy diệt của vũ khí hạt nhân song lại không tạo phóng xạ.
Ý tưởng cột kim loại Thor về cơ bản không khác biệt so với khẩu súng điện từ: đầu đạn không chứa chất nổ mà chỉ dựa vào tốc độ để tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào mà nó tấn công. Trong khi một khẩu súng điện từ muốn tăng vận tốc phóng phải sử dụng năng lượng điện từ, thì cây kim loại Thor chỉ cần dựa vào năng lượng của lực hấp dẫn từ Trái đất.
Lầu Năm Góc ước tính chi phí để đưa một vật thể lên quỹ đạo tốn 10.000 USD cho một pound (0,5 kg). Điều này có nghĩa là muốn đưa một cây kim loại Vonfarm nặng 10.880 kg lên quỹ đạo cần phải mất 230 triệu USD. So sánh với chi phí dự tính 212,5 triệu cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới của Không quân, sự khác biệt gần như không đáng kể.
Nhiều chuyên gia phán đoán, việc Lầu Năm Góc quay lại nghiên cứu dự án vũ khí động năng đặt ngoài không gian được cho là "lách luật" do vũ khí này không chứa chất nổ, chất hóa học hay vật liệu hạt nhân, nên không vi phạm danh sách cấm theo các hiệp ước giải trừ vũ khí hay hiệp ước không gian.
Trong khi các quốc gia khác, bao gồm Nga và Trung Quốc, gây sức ép lên Mỹ ký "một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ", Washington khăng khăng từ chối các thỏa thuận đó. Năm 2014, Mỹ đã khước từ dự thảo Hiệp ước Ngăn chặn Vũ khí đặt ngoài không gian (PPWT) với lý do đề xuất "cơ bản chưa hoàn thiện".
Gần đây, trong cuộc gặp mặt song phương, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã thảo luận về Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) cũng như một Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START mới), bắt đầu thực hiện nghiêm túc phương án đối phó trước mối đe dọa từ vũ khí đặt ngoài vũ trụ.
"Chúng tôi rất quan ngại về sự nguy hiểm của việc biến đổi không gian vũ trụ thành một mặt trận vũ trang. Vấn đề này ngày càng trở nên đáng lo ngại gần đây. Vũ khí không gian và vũ khí tự động sẽ sớm không còn là khoa học viễn tưởng, mà sẽ trở thành thực tế. Chúng ta cần các quy định để có thể bắt kịp với sự phát triển công nghệ vũ khí mới hiện nay", Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 2/11.
https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/my-nghien-cuu-than-sam-vu-khi-giang-don-huy-diet-tu-ngoai-khong-gian-20181109102326521.htm