"Bo bo giữ của"...
Gần đây, Triều Tiên, Iran - những quốc gia bị liệt vào cái gọi là "trục ma quỷ" phát triển thành công những loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới, có tầm bắn hàng nghìn km và mang được đầu đạn hạt nhân khiến các quốc gia đồng minh của Mỹ và phương Tây run sợ, cuống cuồng tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, Mỹ-NATO vẫn "bình chân như vại" trước yêu cầu tha thiết và khẩn cấp của một số đồng minh thân cận về việc được mua những hệ thống đánh chặn tên lửa tối tân nhằm tăng cường khả năng tự phòng thủ của mình. Những cái lắc đầu lạnh lùng khiến người ta toát mồ hôi hột.
Mỹ-NATO cam kết sẽ đảm bảo anh ninh cho những đồng minh này bằng việc triển khai những hệ thống tên lửa đánh chặn tại quốc gia sở tại, nhưng làm sao họ có thể yên tâm được khi mà những hệ thống ấy không thuộc quyền kiểm soát, điều khiển của mình.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, sở dĩ Mỹ- NATO không chịu bán những tổ hợp tên lửa phòng không - phòng thủ tên lửa hiện đại cho một số quốc gia đồng minh thân thiết là có chủ ý.
Thứ nhất là, bắt buộc họ (những đồng mình rất thân thiết) phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự "bảo kê" của những anh cả nhằm dễ bề sai khiến hoặc không chế.
Khoản tiền kếch xù mà các nhà thầu quốc phòng Mỹ và phương Tây có thể thu được ngay trước mắt không phải là cái đích, nó chỉ như "nắm xôi" của anh Bờm mà thôi. Lợi ích địa - chính trị - quân sự và kinh tế về dài hạn mới là điều mà Mỹ-NATO hướng đến.
Thứ hai, không muốn chuyển giao công nghệ để giữ bí kíp, không để lọt, lộ ra ngoài, kể cả khi những đồng minh ấy cam kết gắn bó dài lâu. Thêm nữa, dường như Mỹ-NATO cũng e sợ rằng khi chuyển giao những công nghệ hiện đại, chính những đồng minh ấy khi tự sản xuất được lại tung ra bán trên thị trường vũ khí, cạnh tranh trực tiếp, làm mất thế độc quyền.
Nhưng tưởng là tính già mà lại hóa non, bởi Mỹ-NATO lại phải hứng chịu những cú phản thùng điếng người.
... và 2 cú đập trời giáng
Cả 2 cú đánh này đều mang tên S-400 của Nga. Việc hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga hút khách không có gì lạ bởi nó xứng đáng được như vậy. Xét về tính năng - kỹ chiến thuật thì tên lửa S-400 gần như không có đối thủ tương tự, hiệu quả trong cả đánh chặn tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình. Máy bay tàng hình thế hệ 5 cũng phải hết sức dè chừng.
Các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không S-400.
Cú đập thứ nhất chính là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thuộc khối NATO, nơi Mỹ và phương Tây rất coi trọng bởi vị thế chiến lược của họ ở Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải "đập" là vì công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran, một trong những quốc gia không hề thân thiện trong khu vực đã có những bước tiến quá nhanh. Nếu không kịp thời có phương án phòng thủ thì một khi xảy ra xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề.
Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã năm lần bảy lượt yêu cầu Mỹ-NATO bán và chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa phòng không - phòng thủ hiện đại nhưng đều bị từ chối phũ phàng. Cực chẳng đã, Thổ đã quay sang Nga tậu về các tổ hợp tên lửa S-400 tối tân và được Nga hứa chuyển giao công nghệ để tự sản xuất loại vũ khí phòng thủ hiện đại này.
"Tiền đã trao, cháo cũng sắp múc", dường như Mỹ-NATO chẳng thể làm gì để ngăn cản thương vụ này.
Cú đập thứ hai, Saudi Arbia vừa ký biên bản ghi nhớ với Nga đặt mua các tổ hợp tên lửa S-400 cùng một loạt vũ khí hiện đại khác trị giá nhiều tỷ USD. Cũng tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arbia hết sức lo sợ bị Iran tập kích tên lửa đạn đạo, do vậy cũng cuống cuồng tìm mua loại vũ khí có thể ngăn chặn.
Quân khu Trung tâm Nga khai hỏa "rồng lửa" S-400
Họ đề nghị Mỹ nhanh chóng bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nhưng Mỹ chần chừ, "bo bo giữ của", không chịu phê chuẩn thương vụ trị giá tới 15 tỷ USD này. Chính điều đó đã buộc Saudi Arabia quay lưng, bắt tay với Nga.
Lần này, dường như Mỹ-NATO đã thấy được hậu quả nhãn tiền từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù rất "tâm tư" nhưng Mỹ (Bộ Ngoại giao) đã ngay lập tức phê chuẩn hợp đồng đặt mua THAAD của Saudi Arabia. Mỹ đã phản ứng nhanh và có thể tận dụng cơ hội chót "tiền chưa trao, cháo chưa múc" để ngăn cản cái bắt tay nồng thắm Saudi Arabia - Nga.
Có thể đề nghị mua S-400 của Saudi Arabia chỉ là một "đòn gió", đẩy Mỹ vào thế phải quyết định nhanh thương vụ trị giá 15 tỷ USD kia. Nhưng dường như, Vương quốc nhiều dầu mỏ bậc nhất thế giới này vẫn muốn có cả 2, cả S-400 của Nga lẫn THAAD của Mỹ. Có điều, chưa rõ họ sẽ phối hợp 2 loại tên lửa khác hệ với nhau như thế nào.