Theo tạp chí National Interest, một số công ty đã cung cấp cho Không quân Mỹ các loại máy bay chiến đấu nước ngoài. Cụ thể, hãng Air USA đã mua về 3 phiên bản huấn luyện của máy bay chiến đấu MiG-29UB do Liên Xô chế tạo.
"Máy bay MiG-29 của Air USA được nhập khẩu trực tiếp từ một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tất cả các máy bay này đều được trang bị các linh kiện do Liên Xô sản xuất", công ty này tuyên bố trên trang web của mình.
"MiG-29 của chúng tôi có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không, và nó là công cụ rất hữu hiệu để hỗ trợ huấn luyện quân đội và thử nghiệm kỹ thuật các phi cơ mới".
Ngoài Air USA, một số công ty khác của Mỹ như TacAir và Draken International cũng cung cấp dịch vụ tương tự. Hãng TacAir có một phi đội máy bay CF-5 Freedom hùng hậu, còn hãng Draken có một phi đội gồm nhiều máy bay huấn luyện hiện đại và cả phi cơ MiG-21 của Liên Xô.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng sở hữu những phi cơ lợi hại của Nga hiện nay như Su-27 Flanker. Hãng Pride Aircraft đã giúp nhập khẩu hai máy bay chiến đấu loại này từ Ukraine, và gần đây người ta phát hiện máy bay Su-27 đối đầu với một phi cơ F-16 trong một cuộc diễn tập trên không tại căn cứ không quân Nellis (bang Nevada, Mỹ).
Mỹ đang cần rất nhiều phi cơ MiG-29 do Liên Xô sản xuất để phục vụ cho các hoạt động huấn luyện.
Ông Gerry Gallop, một cựu phi công Mỹ từng đến Ukraine mua hai phi cơ chiến đấu Su-27 cho biết, ông rất ấn tượng với khả năng của máy bay tiêm kích này.
“Tôi cho máy bay đạt độ cao 6.100m và tăng tốc độ lên Mach 0.9 để kiểm tra động cơ, sau đó đưa máy bay lên độ cao 10.000m và tăng tốc lên thành Mach 1.35, điều mà chúng tôi cũng làm để thử nghiệm hoạt động của động cơ TF30 trên máy bay F-14A Tomcat”, ông Gallop nói.
“Sau đó mặc dù đã ngừng tăng tốc, tốc độ của máy bay vẫn giữ nguyên ở mức Mach 1.3”.
Máy bay có thể giữ nguyên tốc độ siêu thanh trong 25 phút, một khoảng thời gian tương đối dài. Mặc dù loại phi cơ Su-27 mà Mỹ mua về đã tháo hết các loại vũ khí, đồng nghĩa với việc nó sẽ nhẹ hơn Su-27 thông thường khoảng 1.300kg, song tốc độ khi bay của nó thực sự rất ấn tượng.
“Tôi đã ngừng tăng tốc máy bay và tốc độ có giảm xuống, nhưng tôi vẫn bay với tốc độ siêu thanh”, ông Gallop nói. “Sau khi nó ngừng bay ở tốc độ siêu thành, tôi nhìn vào đồng hồ nhiên liệu và nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể quay đầu máy bay và thực hiện lại toàn bộ quá trình trên mà vẫn còn thừa nhiên liệu để hạ cánh”.
Dù vậy, các máy bay chiến đấu do Liên Xô cũ sản xuất thường khá đắt đỏ để bảo dưỡng ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp sẵn sàng gánh vác chi phí của các máy bay, Không quân Mỹ nên tận dụng những dịch vụ như vậy.