Mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân trở thành chủ đề được quan tâm gần đây sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 9 tuyên bố sẽ bảo vệ người dân và lãnh thổ vằng "tất cả mọi lực lượng và nguồn lực có sẵn".
Các nước phương Tây cho rằng tuyên bố của ông là lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Tổng thống Putin sau đó nhấn mạnh rằng Moscow đã không đề cập tới vũ khí hạt nhân chiến thuật chứ chưa nói tới việc đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 Yars của Nga trong lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Sputnik
New York Times ngày 2/11 dẫn lời một số quan chức cấp cao giấu tên nêu một bản đánh giá của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, trong đó cho hay "các tướng Nga đã thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraine ra sao và trong điều kiện nào".
Một số quan chức Nhà Trắng bày tỏ lo ngại sau khi xem báo cáo, cho rằng tài liệu "cung cấp cái nhìn hiếm hoi về các cuộc đối thoại giữa tướng lĩnh cấp cao của Nga, phản ánh sự tức giận ngày càng tăng của họ đối với tổn thất trên chiến trường Ukraine". Các quan chức Mỹ lo ngại cơn giận này có thể biến thành hành động liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Một số quan chức Mỹ khác cho biết, họ không nhận thấy Nga đang điều chuyển vũ khí hạt nhân và không tin rằng Moscow sẽ quyết định cho nổ một thiết bị hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đang có những tổn thất trên chiến trường, việc thảo luận sử dụng vũ khí hạt nhân cũng là động thái báo động.
Có thực sự đáng lo ngại?
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường. Chúng có sức công phá 10-100 kiloton, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược có sức công phá 500-800 kiloton. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có thể gây thiệt hại sinh mạng rất lớn.
Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Khả năng Nga sử dụng loại vũ khí này vẫn rất thấp. Tuy nhiên, nguy cơ một thiết bị hạt nhân nhỏ phát nổ cũng khiến giới chức Mỹ và các nước khác quan ngại.
"Khi lãnh đạo của một quốc gia hạt nhân, như ông Putin, nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, điều này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Chúng tôi vẫn thoi dõi sát vấn đề này ngay từ ban đầu", ông John Kirby, quan chức Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết ngày 2/11.
"Chúng tôi vẫn duy trì quan ngại về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine, bao gồm cả vũ khí hạt nhân", ông Kirby cho biết thêm.
Nga chỉ đang muốn đe dọa phương Tây?
Các quan chức Mỹ cho rằng, có khả năng các cuộc thảo luận công khai cũng như riêng tư các quan chức Nga là nhằm làm dấy lên lo ngại ở Washington. Các cuộc thảo luận đó có thể không liên quan đến việc lập kế hoạch thực tế mà nhằm mục đích ngăn cản phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Ông Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga cho rằng, các cuộc thảo luận về sử dụng vũ khí hạt nhân khiến phương Tây lo ngại. Tuy nhiên, Nga có thể chỉ đang tìm cách ngăn cản Mỹ gửi vũ khí tiên tiến cho Ukraine như hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn Mỹ cung cấp loại vũ khí này. Một số cựu quan chức quốc phòng Mỹ cũng cho rằng việc cung cấp ATACMS sẽ giúp ích rất nhiều cho quân đội Ukraine để nhắm vào các mục tiêu Nga cũng như các kho hậu cần quan trọng của Moscow.
Ông McFaul cho hay, chỉ bằng việc thảo luận về vũ khí hạt nhân, lãnh đạo Nga đang "đạt được mục tiêu quân sự thực tế".
Chính chuyền Tổng thống Biden đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine, nhưng vẫn chưa gửi cho Kiev tên lửa tầm xa, xe tăng và máy bay chiến đấu.
"Lầu Năm Góc sẽ không gửi ATACMS. Họ sẽ không gửi MiG-29 và cũng sẽ không gửi xe tăng. Họ đang bị Nga răn đe", ông McFaul nhận nói.
Nga muốn gây sức ép buộc Ukraine đàm phán
Rất khó có khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Frederick B. Hodges, Trung tướng đã nghỉ hưu và từng là chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ ở châu Âu nhận định.
"Vũ khí hạt nhân của họ hữu ích nhất khi khọ không sử dụng đến chúng. Sẽ không có lợi thế chiến trường nào để sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Hodges nói.
Thay vào đó, giới lãnh đạo Nga dường như hy vọng các mối đe dọa hạt nhân có thể buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao và nhượng bộ.
"Họ đang tìm cách gây sức ép lên Ukraine để đàm phán và nhượng bộ trước các yêu cầu của Điện Kremlin", ông Hodges nhận định./.