Lầu Năm Góc đã xây dựng một kế hoạch đánh bại hệ thống phòng không của Nga ở vùng Kaliningrad, vùng cực Tây của Nga trong trường hợp Moscow gây hấn, Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi - Đại tướng Jeffrey Lee Harrigian nói.
“Chẳng hạn như chúng tôi phải đến đó và hạ gục các hệ thống phòng không tích hợp (IADS) ở Kaliningrad thì không nghi ngờ gì cả, chúng tôi đã có kế hoạch cho việc đó.
Chúng tôi đã huấn luyện thực hiện hành động này và chúng tôi suy nghĩ về kế hoạch đó mọi lúc mọi nơi… và nếu buộc phải làm điều đó, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện” - trang tin Breaking Defense mới đây trích phát biểu của ông Harrigian.
Tướng Harrigian chỉ ra rằng đòn đáp trả của Mỹ đối với hành động gây hấn tiềm năng của Nga từ Kaliningrad sẽ là “đa miền, rất kịp thời và hiệu quả”.
Vị tướng Mỹ không tiết lộ chi tiết kế hoạch, chỉ nói rằng đó sẽ bao gồm các cuộc tấn công phối hợp từ cả trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ, không gian mạng và tác chiến điện tử.
Hệ thống S-400 đi vào biên chế ở vùng Kaliningrad. Ảnh: SPUTNIK
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặc biệt chú ý tới vùng Kaliningrad bởi khối quân sự này xem khoảng không gian Suwalki - một hành lang kéo dài 64 km chạy dọc biên giới Ba Lan - Lithuania nằm giữa vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga và Belarus (đồng minh của Nga) - là một trong những địa bàn dễ bị tổn thương nhất trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga.
Theo chuyên san quân sự National Interest, Nga đã bố trí các hệ thống phòng không hiện đại S-300 và S-400, các tên lửa chống hạm Oniks và tên lửa đất đối đất Iskander ở vùng đất này.
Từ Kaliningrad , Nga có thể tấn công các máy bay, tàu chiến và lực lượng mặt đất của NATO ở khoảng cách hàng trăm km từ tất cả hướng.
Moscow những năm gần đây tăng cường khả năng phòng thủ cho Kaliningrad. Lực lượng bộ binh ở khu vực này dự kiến sẽ tiếp nhận tên lửa đạn đạo Iskander-M trong năm 2019, “hoàn tất” quá trình “vũ trang lại trận địa tên lửa của lực lượng trên bộ” - điện Kremlin thông báo ngày 1-1-2019.
Lữ đoàn tên lửa của Kaliningrad sở hữu hơn 50 phương tiện, trong đó gồm các bệ phóng, phương tiện chỉ huy và bảo trì cùng với các phương tiện hỗ trợ khác, theo Bộ Quốc phòng Nga. Tên lửa Iskander-M mới có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Binh sĩ Nga theo dõi một xe vận chuyển đặt tên lửa tầm ngắn Iskander-M vào một bệ phóng trong một cuộc tập trận. Ảnh: SPUTNIK
“Nga đã đầu tư năng lượng đáng kể vào phát triển khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực (A2AD) và thận trọng định vị chúng để tối đa hóa hiệu quả chiến lược của chúng” - trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết.
“Việc triển khai chiến lược A2AD của Nga kéo dài đến tận cực Bắc xuống Syria, đặc biệt tập trung ở Kaliningrad và xung quanh bán đảo Crimea - một loại hệ thống A2AD chồng chéo và tinh vi” - CSIS nói thêm.
“Trong trường hợp xảy ra xung đột, sự triển khai như vậy sẽ làm phức tạp khả năng của NATO tiếp cận những khu vực trọng yếu như các các nước Baltic hay Ba Lan” - CSIS cho hay.
Như ông Harrigian tuyên bố, Kaliningrad và lực lượng đồn trú ở đó có thể là mục tiêu hàng đầu cho những gì mà Lầu Năm Góc gọi là “chiến dịch đa miền”.
Theo National Interest, tin tặc có thể làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc trong khi gây nhiễu các máy bay để “bẫy” radar. Máy bay ném bom, tàu chiến và tàu ngầm có thể phóng tên lửa hành trình tầm xa.
Lực lượng trên bộ có thể phóng rocket. Máy bay chiến đấu tàng hình và oanh tạc cơ có thể xuyên thủng hàng phòng thủ còn sót lại để hạ gục máy bay ném bom dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu.