Mỹ lên kế hoạch cung cấp máy bay không người lái ưu việt cho Ukraine

Cao Lực |

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch bán cho Ukraine 4 máy bay không người lái MQ-1C Gray Eagle có thể trang bị tên lửa Hellfire để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết hôm 2-6.

Kế hoạch trên vẫn có thể bị Quốc hội Mỹ chặn lại hoặc bị thay đổi "vào phút chót", các nguồn tin khẳng định, đồng thời tiết lộ kế hoạch này đã được Lầu Năm Góc xem xét trong nhiều tuần.

Ukraine thời gian qua sử dụng nhiều hệ thống bay không người lái nhỏ hơn với tầm bắn thấp hơn MQ-1C Gray Eagle. Những hệ thống này bao gồm AeroVironment RQ-20 Puma AE (Mỹ) và Bayraktar-TB2 (Thổ Nhĩ Kỳ).

MQ-1C Gray Eagle là một bước tiến về mặt công nghệ so với những hệ thống trên, bởi chúng có thể bay suốt 30 tiếng hoặc hơn, phụ thuộc vào nhiệm vụ. Ngoài khả năng thu thập lượng dữ liệu đồ sộ phục vụ mục đích tình báo, MQ-1C Gray Eagle còn có khả năng mang theo 8 tên lửa Hellfire uy lực.

Mỹ lên kế hoạch cung cấp máy bay không người lái ưu việt cho Ukraine - Ảnh 1.

MQ-1C Gray Eagle, phiên bản quân sự của máy bay không người lái phổ biến Predator. Ảnh: Reuters

Nếu kế hoạch trên được thông qua, đây sẽ là một diễn biến quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bàn giao cho Ukraine một hệ thống tối tân có thể triển khai nhiều cuộc tấn công sâu rộng trên chiến trường.

Chính quyền Tổng thống Biden dự định thông báo kế hoạch trên với Quốc hội Mỹ trong vài ngày tới, một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ.

Tiền từ gói viện trợ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI – 40 tỉ USD) đã được trích ra để phục vụ hoạt động mua bán và huấn luyện sử dụng MQ-1C Gray Eagle tiềm tàng, vị này cho biết thêm.

Mỹ lên kế hoạch cung cấp máy bay không người lái ưu việt cho Ukraine - Ảnh 2.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thông báo kế hoạch bán MQ-1C Gray Eagle cho Ukraine trong vài ngày tới. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo quốc gia của ông sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không IRIS-T tối tân. Theo Thủ tướng Scholz, đây là hệ thống phòng không hiện đại nhất mà Berlin đang sở hữu; được phát triển cùng các thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

"Chúng tôi liên tục bàn giao vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra" – Thủ tướng Scholz khẳng định, đồng thời cho biết ngoài IRIS-T, quốc gia của ông còn viện trợ các hệ thống radar giúp Ukraine định vị pháo của kẻ địch.

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24-2, theo Thủ tướng Scholz, Đức đã bàn giao cho Ukraine tổng cộng hơn 15 triệu viên đạn, 100.000 lựu đạn và khoảng 5.000 mìn chống tăng.

Mỹ lên kế hoạch cung cấp máy bay không người lái ưu việt cho Ukraine - Ảnh 3.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Đan Mạch gia nhập chính sách phòng thủ chung của EU

Đan Mạch ngày 1-6 bỏ phiếu thông qua quyết định gia nhập chính sách quốc phòng chung với Liên minh châu Âu (EU), thêm một dấu hiệu cho thấy xung đột Nga-Ukraine đang tái định hình cấu trúc an ninh của khối.

Với gần 70% phiếu thuận, cuộc trưng cầu dân ý nêu trên sẽ chứng kiến sự kiện Đan Mạch từ bỏ lập trường nằm ngoài Chính sách An ninh và Quốc phòng chung (CSDP) của EU. Họ là thành viên duy nhất trong khối chưa ký kết chính sách này.

Tham gia CSDP cũng đồng nghĩa Đan Mạch có quyền tham gia các hoạt động quân sự chung của EU, chẳng hạn như những hoạt động ở Somalia, Mali và Bosnia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại