Theo Reuters, quân đội Ukraine có thể sử dụng những cây cầu này để chiếm lại lãnh thổ bị lực lượng Nga nắm giữ kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022.
Họ đã được huấn luyện để kết hợp sử dụng pháo kích cùng với các cuộc tấn công bằng xe tăng và xe bọc thép.
"Bắc cầu tấn công là điều cần thiết cho các hoạt động vũ trang kết hợp. Nó giúp các phương tiện bọc thép băng qua những con sông và mương hẹp, nếu không sẽ khiến toàn bộ lực lượng phải giảm tốc độ" - ông Jack Watling, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (trụ sở tại London - Anh), giải thích.
Ông Watling nói thêm: "Điều quan trọng là những cây cầu này chỉ quan trọng đối với các hoạt động tấn công, cho thấy Mỹ đang chuẩn bị giúp Ukraine tiếp tục chiếm lại lãnh thổ của mình".
Phát biểu sau khi Mỹ công bố gói viện trợ quân sự ngày 3-3, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết: "Gói viện trợ quân sự này bao gồm nhiều đạn dược hơn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), lựu pháo, đạn dược cho xe chiến đấu bộ binh Bradley, vũ khí và thiết bị công phá cùng các hoạt động bảo trì, đào tạo và hỗ trợ".
Cũng theo ông Blinken, Tổng thống Joe Biden có thể ra lệnh chuyển gói viện trợ này trực tiếp từ kho của Mỹ mà mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Đài RT thống kê đây là đợt viện trợ quân sự thứ 33 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ tháng 8-2021. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Washington đã cung cấp cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 32 tỉ USD, bao gồm hơn 1,4 triệu quả đạn pháo.