Một cuộc họp giữa các cố vấn an ninh quốc gia từ Mỹ, Nga và Israel dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 này tại Israel để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, đây là một cuộc họp chưa từng có trong tiền lệ, mặc dù một cuộc họp như vậy có thể đạt được những gì vẫn còn là điều gây tranh cãi, theo Lobe Log.
Nga, Iran và các lực lượng dân quân Shi'a (bao gồm cả Hezbollah của Lebanon) từ lâu đã trở thành đối tác hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria chống lại phiến quân đối lập.
Mặc dù từ lâu vốn có sự đối địch với Israel, Iran đã gác mọi thứ sang một bên để tập trung chiến đấu với các đối thủ của Tổng thống Assad trong cuộc xung đột ở Syria kể từ năm 2011.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi các đối thủ của Tổng thống Assad đã bị suy yếu nghiêm trọng và sự sống còn của chính quyền Damascus dường như được đảm bảo, cả Israel và Iran, cũng như Hezbollah đã chuyển sự chú ý dành cho nhau nhiều hơn.
Một số va chạm quân sự đã minh chứng cho điều này. Người Israel rất lo sợ ảnh hưởng của Iran mở rộng ở Syria sẽ cho phép Iran và Hezbollah dễ dàng tấn công nước này, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump mới đây quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria.
Để làm suy yếu ảnh hưởng của Iran ở Syria, các lực lượng Israel đã tấn công các mục tiêu của Tehran đang cố thủ ở quốc gia láng giềng.
Mỹ-Israel khao khát, Nga hờ hững?
Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột đang leo thang giữa một bên là Israel và một bên là Iran và Hezbollah.
Moscow đã hợp tác chặt chẽ với Iran và các đồng minh để bảo vệ chính quyền Assad. Mặc dù vậy, Nga cũng có quan hệ chặt chẽ với Israel và mối quan hệ giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu với Tổng thống Vladimir Putin dường như là khá sâu sắc.
Mặc dù Moscow đã chỉ trích các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu Iran/Hezbollah ở Syria, nhưng Tổng thống Putin đã không làm được gì nhiều để ngăn chặn hành động như vậy.
Cả Nga và Israel đã tìm ra được một cơ chế phù hợp trong tình hình hiện tại. Theo đó Israel sẽ cảnh báo cho các lực lượng Nga ở Syria về các cuộc tấn công sắp sửa tiến hành và tránh nhằm vào vị trí của quân đội Nga. Đổi lại, Moscow sẽ không sử dụng vũ lực để ngăn chặn các cuộc tấn công này của Israel.
Iran và Hezbollah về cơ bản khó có thể hài lòng với sự thể hiện như vậy của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã tính toán rằng Iran không thể bất mãn mà rời bỏ người Nga ở Syria. Họ cũng không thể thay thế Nga bằng một đồng minh hữu ích hơn.
Nếu không có Iran ở Syria, Nga cũng khó có thể đạt được thành công.
Ngược lại, người Israel rất hài lòng với việc Nga nhắm mắt bỏ qua đối với các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran và Hezbollah, nhưng Tel Aviv thậm chí vẫn còn muốn Nga, Mỹ làm nhiều hơn nữa.
Cụ thể, cả chính quyền Trump và Chính phủ Netanyahu đều muốn Moscow giúp họ giảm bớt hoặc thậm chí chấm dứt sự hiện diện của Iran ở Syria.
Các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ và Israel (John Bolton và Meir Ban-Sabbat) có thể sẽ thúc đẩy điều này với đối tác Nga Nikolay Patrushev trong cuộc họp sắp tới.
Nhưng không như khao khát muốn Nga giúp giảm bớt hoặc loại bỏ sự hiện diện của Iran ở Syria của Mỹ và Israel, có nhiều lý do để hoài nghi việc Moscow có chịu làm điều này hay không.
Tổng thống Assad sẽ không muốn Iran rời đi?
Ngay cả khi có khả năng trong tay, Nga cũng sẽ không thực hiện chỉ vì đó là điều Mỹ và Israel cho là đúng đắn.
Moscow sẽ muốn một cái giá nào đó mà Mỹ và Israel phải trả, ví dụ như sự công nhận việc sáp nhập Crimea năm 2014 của Nga và loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Mặc dù cái giá đó không phải là vấn đề đáng quan tâm của Thủ tướng Netanyahu, nhưng việc Mỹ đưa ra những nhượng bộ như vậy đối với Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của Washington với các đồng minh châu Âu.
Đã có những ý kiến cho rằng, cuộc chiến bảo vệ chính quyền Assad về cơ bản đã chiến thắng. Giờ đây là cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Iran ở Syria.
Nhưng dù là đối tác khó chịu đối với mình, Moscow gần như không muốn thấy Iran và Hezbollah rời đi khi nguy cơ các lực lượng nổi dậy chống chính quyền Assad trở lại sẽ đặt gánh nặng lên vai Nga.
Nga đã thành công hơn về mặt quân sự ở Syria với quân số bỏ ra ít hơn nhiều so với Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Nhưng thành công của Nga ở Syria có được như vậy là do lực lượng Iran và các đồng minh dân quân Shi'a thực hiện gánh nặng chiến trên mặt đất, trong khi Nga tập trung vào các cuộc không kích hỗ trợ trên không.
Và hơn tất cả, Moscow không thu được gì khi đứng cùng chiến tuyến với Mỹ và Israel khi yêu cầu Iran rút khỏi Syria.
Thay vào đó, những gì Nga có thể hy vọng đạt được là đứng ở giữa cân bằng, tiếp tục để cho lực lượng Iran và Hezbollah chịu gánh nặng để đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Assad nhưng kiểm soát tình hình để Iran không chiếm thế thượng phong về ảnh hưởng ở Syria.
Cách tốt nhất để Nga làm điều này không phải là trực tiếp hành động chống lại Iran, mà tiếp tục ngó lơ các cuộc tấn công của Israel.
Và vì Israel sẵn lòng thực hiện nhiệm vụ này, không có lý do gì để Nga đồng ý với bất kỳ yêu cầu nào của Mỹ hay Israel trong cuộc họp sắp tới giữa các cố vấn an ninh quốc gia để làm điều gì đó khác biệt.
Hơn thế nữa, phía Nga từng tuyên bố rằng, nếu để buộc lực lượng Iran phải rời đi thì người có thẩm quyền phải là Tổng thống Assad chứ không phải Moscow.
Nếu Chính phủ Assad công khai kêu gọi Iran và các đồng minh rời đi, Iran sẽ buộc phải thực hiện nhưng Tổng thống Assad dường như không nghĩ tới việc làm điều này.
Ông không muốn hoàn toàn phụ thuộc vào một bên là Moscow hoặc Tehran. Do đó, sự hiện diện liên tục của các lực lượng từ cả hai quốc gia cho phép nhà lãnh đạo Syria có thể cơ động hơn giữa cả hai, một lợi thế mà ông không muốn từ bỏ.