“Những diễn biến gần biên giới của Nga khiến chúng tôi vô cùng lo lắng vì nó có thể gây bất ổn cho tình hình quanh Iran, ảnh hưởng tiêu cực đến những nước có mối quan hệ gắn bó với chúng tôi, tạo thêm những làn sóng người tị nạn mới và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như đối với ngành công nghiệp năng lượng thế giới”, ông Putin đã phát biểu như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone.
Nhà lãnh đạo nước Nga bày tỏ sự hoan nghênh đối với bất kì động thái nào nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington. “Chúng tôi sẽ hoan nghênh bất cứ bước đi nào hướng đến việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Iran”, Tổng thống Putin nói với đạo diễn người Mỹ William Oliver Stone.
Trước đó, vào ngày thứ Sáu (19/7), Đại diện thường trực của Nga tại Mỹ - ông Dmitry Polyanskiy đã nói với cánh nhà báo rằng, Moscow lo ngại trước những thông tin về vụ tàu chở dầu của Anh bị bắt giữ ở eo biển Hormuz và kêu gọi các bên hãy làm dịu sự căng thẳng.
Tuy nhiên, ông Polyanskiy nhấn mạnh rằng ông không muốn đưa ra thêm bất kỳ bình luận gì về những thông tin nói trên cho đến khi biết chính xác chi tiết về vụ việc.
Liên quan đến vụ bắt giữ tàu chở dầu của Anh, truyền thông Iran đưa tin Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh ở Eo biển Hormuz bởi vì nó vi phạm quy tắc quốc tế.
Tình hình căng thẳng ở Vịnh Ba Tư và những vùng lân cận đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng vừa qua khi hàng loạt tàu chở dầu phát nổ mà không rõ nguyên nhân. Mỹ và các đồng minh đổ trách nhiệm cho Iran, nhưng Tehran phủ nhận việc họ có dính líu đến những vụ việc này.
Hồi tháng 6, quân đội Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, cáo buộc nó xâm phạm không phận Iran. Lầu Năm Góc nhất quyết khẳng định rằng máy bay không người lái lúc đó đang ở không phận quốc tế và gọi sự việc này là một cuộc tấn công vô cớ
Hôm 18/7, Lầu Năm Góc cho rằng một máy bay không người lái từ phía Iran đã tiến vào trong “phạm vi gây nguy hiểm” cho một chiến hạm của Mỹ ở Eo biển Hormuz và vì thế Mỹ đã phải bắn hạ chiếc máy bay đó trong một nỗ lực phòng thủ.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết Tehran tin rằng USS Boxer có thể đã tự bắn hạ thiết bị bay không người lái của chính mình.
Căng thẳng trong mỗi quan hệ giữa Mỹ và Iran đang leo thang nghiêm trọng qua các năm, bắt đầu khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương mang tính bước ngoặt vào tháng 5/2018 và áp đặt lệnh cấm vận “cứng rắn nhất từ trước tới nay” lên nước Cộng Hòa Hồi giáo này.
Lập trường của Nga trong vấn đề này luôn là chung tay giải quyết những bất đồng bằng biện pháp ngoại giao. Moscow cũng không ngừng cáo buộc những chính sách diều hâu thái quá của Washington và các đồng minh đối với Tehran. Nga tin rằng Iran không có ý định gây hấn và khen ngợi Tehran vì những nỗ lực của nước này trong việc đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết ông không thể nói chắc chắn về việc Nga sẽ phản ứng thế nào nếu một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Iran và Mỹ. Ông Zarif nói thêm rằng Iran không theo đuổi chính sách đối ngoại của mình dựa trên giả định sẽ có thực thể nào đó đến giải cứu cho mình.
Tuy vậy, vị Ngoại trưởng của Iran thừa nhận sự gần gũi trong mối quan hệ giữa Iran với Nga và Trung Quốc bởi giữa họ có nhiều sự tương đồng về quan điểm cũng như về lợi ích và an ninh quốc gia.