Mỹ - Iran khẩu chiến: Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân, bùng phát đối đầu quân sự?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Nếu xé bỏ thỏa thuận, Iran sẽ đưa tất cả các máy ly tâm làm giàu Uranium trở lại hoạt động, đủ khả năng để chế tạo bom hạt nhân mà không ai có thể kiểm soát được.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran gần đây trở nên hết sức căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo Iran vi phạm Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) hay còn gọi tắt là Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.

Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran có thể xé bỏ Thỏa thuận hạt nhân trong vòng vài giờ nếu Mỹ áp đặt thêm bất cứ lệnh trừng phạt mới nào đối với Iran. Trước đó, ngày 2/8/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên.

Cuộc khẩu chiến này đang dấy lên sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về số phận của thỏa thuận lịch sử này.

Hủy thỏa thuận ảnh hưởng xấu đến Mỹ

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump đã cam kết nếu đắc cử sẽ hủy bỏ một loạt hiệp định quốc tế "bất bình đẳng" có hại cho nước Mỹ. Ông đã nhiều lần phê phán Thỏa thuận Hạt nhân ký với Iran và cho rằng đây là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, một sai lầm lớn của Tổng thống Barack Obama.

Ngay sau khi trở thành ông chủ của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều cam kết của mình, hủy bỏ chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare, cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đến rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định khí hậu Paris, thỏa thuận với Cuba...

Theo đà này, nhiều ý kiến cho rằng khả năng Tổng thống Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký với Iran là không thể loại trừ.

Tuy nhiên, xét từ nhiều khía cạnh, việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran không dễ dàng vì không có lý do gì để hủy thỏa thuận này.

Thỏa thuận hạt nhân được ký kết ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 ( Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức). Theo thỏa thuận này, cứ 90 ngày thì đại diện của Iran và sáu nước lại họp với nhau để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận.

Mỹ - Iran khẩu chiến: Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân, bùng phát đối đầu quân sự? - Ảnh 1.

Đại diện các nước nhóm P5+1 và Iran chụp ảnh lưu niệm tại Vienna ngày 14/7/2015. Ảnh: Reuters

Cuộc họp mới đây nhất tại Vienna đã khẳng định Iran thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản quy định của JCPOA. Điều này cũng đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Goterres đánh giá cao. Như vậy, việc tố cáo Iran vi phạm thỏa thuận là không có cơ sở.

Đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, là thành tựu quan trọng nhằm góp phần hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân, đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran chỉ để phục vụ các mục đích hòa bình.

Thỏa thuận JCPOA được ký giữa Iran và nhóm P5+1, trong đó có Mỹ được Hội đồng Bảo an và hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ. Đặc biệt, thỏa thuận này đã được chính Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Hủy bỏ thỏa thuận này có nghĩa là đặt Mỹ vào thế đối đầu với cộng đồng quốc tế, đặt Tổng thống Donald Trump đối đầu với Quốc hội Mỹ. Mặt khác, đây là hành động đơn phương của Mỹ có thể được coi là bất hợp pháp.

Như vậy, việc hủy bỏ JCPOA với Iran không những sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Mỹ với tư cách một nước lớn đang có tham vọng đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu, mà còn tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong quan hệ quốc tế (mỗi khi chính quyền mới nào của Mỹ lên cũng có thể hủy các cam kết quốc tế của chính quyền trước đó đã ký).

Đối đầu quân sự với Iran là thảm họa

Quan hệ Mỹ-Iran dưới thời Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ còn rất căng thẳng, nhưng khó có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự. Đối đầu quân sự với Iran cũng có nghĩa là đối đầu quân sự với Nga. Điều này không những sẽ là thảm họa đối với khu vực mà còn làm tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ.

Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Bahrain, Qatar, các đồng minh của Mỹ ở khu vực Israel, Ả rập Xê út đều nằm trong tầm ngắm của Iran. Iran hoàn toàn có thể phong tỏa eo biển Hormuz, làm gián đoạn con đường cung cấp năng lượng cho thế giới. Vì vậy, chính quyền Mỹ một mặt tăng cường gây sức ép với Iran, nhưng không muốn dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự với Tehran.

Mỹ - Iran khẩu chiến: Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân, bùng phát đối đầu quân sự? - Ảnh 2.

Eo biển Hormuz nằm ở vị trí rất quan trọng trong tuyến vận tải của thế giới. Ảnh: NYTimes

Cục diện khu vực Trung Đông đang có nhiều thay đổi. Nếu Mỹ tiếp tục gây căng thẳng, thực hiện các biện pháp trừng phạt mới chống Iran, không loại trừ khả năng Iran sẽ là người đầu tiên xé bỏ thỏa thuận chứ không phải Mỹ.

Như vậy, tình hình sẽ trở về trước 2015, tức là trước khi đạt được JCPOA. Điều này có nghĩa là Iran sẽ đưa tất cả các máy ly tâm làm giàu Uranium trở lại hoạt động, đủ khả năng để chế tạo bom hạt nhân mà không ai có thể kiểm soát được. Điều này cực kỳ nguy hiểm và chắc chắn không ai muốn.

Ngoài việc tố cáo Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân, chính quyền Mỹ còn lấy cớ Iran thử tên lửa đạn đạo và cáo buộc Iran là nước bảo trợ khủng bố số một trên thế giới để hủy bỏ thỏa thuận này. Những cái cớ do Mỹ nêu ra không có tính thuyết phục.

Việc Iran thử tên lửa đạn đạo không vi phạm các quy định của JCPOA. Không có điều khoản nào trong JCPOA cấm Iran chế tạo tên lửa đạn đạo.

Mỹ - Iran khẩu chiến: Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân, bùng phát đối đầu quân sự? - Ảnh 3.

Trong khi đó, chính Mỹ đang cung cấp cho các đồng minh của mình tại Trung Đông loại tên lửa này và mới đây đã ký hợp đồng vũ khí trị giá lên tới 350 tỷ đô la với Ả rập Xê út, mục tiêu chủ yếu là nhằm vào đối thủ Iran.

Tất nhiên, việc chạy đua vũ trang hoàn toàn không có lợi cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Vấn đề này cần phải được giải quyết bằng thương lượng hòa bình.

Không có bằng chứng nào về việc Iran bảo trợ cho khủng bố. Hiện nay Iran đang là nạn nhân của các hành động khủng bố do IS và al-Qaeda tiến hành. Iran đã tham gia tích cực vào chiến dịch giải phóng Mosul khỏi sự chiếm đóng của IS, cùng Nga chống khủng bố ở Syria và đang hợp tác với các bên liên quan nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột tại đây.

Việc Mỹ gây căng thẳng với Iran là để lấy lòng các đồng minh của mình ở Trung Đông, trước hết là Israel và Ả rập Xê út sau chuyến thăm hai nước này vào tháng 5/2017 của Tổng thống Donald Trump. Hành động này của Mỹ đang tạo ra một tập hợp lực lượng mới ở khu vực, đẩy Iran tăng cường quan hệ với Nga, Iraq, Qatar, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại