Mỹ hiểu rõ “Nga quá quan trọng để bị cô lập”

Hoàng Lê |

Mỹ đe dọa tiếp tục trừng phạt mạnh mẽ Nga, song chính Washington hiểu rõ rằng “Moscow quá quan trọng để bị cô lập” và không dễ gì để trừng phạt.

Trừng phạt nhưng không cô lập

Mỹ và các đồng minh không ngừng tìm mọi lý do để trừng phạt Nga, từ cáo buộc liên quan tới khủng hoảng Ukraine, kích động xung đột tại Syria, can thiệp bầu cử đến vụ đầu độc cựu điệp viên...

Mỹ đã liên tiếp công bố các lệnh trừng phạt mới, đóng cửa lãnh sự quán Nga tại San Francisco, Seattle và khu nghỉ dưỡng tại Maryland và New York với cái cớ rằng, chính phủ của Tổng thống Putin sử dụng những địa điểm này cho mục đích tình báo.

Mới nhất trong tuần này, Mỹ đã công bố những biện pháp trừng phạt mới với Nga và dự kiến những lệnh trừng phạt sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Tuy vậy, một thực tế rõ ràng là Nga không dễ dàng “khụy ngã” trước những trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Moscow đang ngày càng thể hiện vai trò không thể thiếu trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Do đó, kể cả khi quyết định trừng phạt Nga, thì Mỹ cũng phải cân nhắc kỹ càng hành động của mình. Mục tiêu cuối cùng của các lệnh trừng phạt là khiến Nga thay đổi “cách hành xử” bằng việc hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính và công nghệ của phương Tây, song lại không được cô lập Nga trong các cuộc tiếp xúc hay đối thoại chính trị với phương Tây.

Dù muốn hay không, Mỹ và các đồng minh phương Tây của mình vẫn hiểu rằng “Nga quá quan trọng nên không thể bị cô lập”. Nga là nhà xuất khẩu khí đốt và lúa mì lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 và xuất khẩu than đá lớn thứ 3 thế giới.

Với châu Âu, Nga vẫn là nguồn cung khí gas lớn nhất và ít đắt đỏ nhất. Các chuyến bay giữa châu Âu tới Trung Quốc đều qua không phận Nga. Và điểm cuối cùng không thể không nhắc đến là việc Nga là một cường quốc hạt nhân.

Chiến lược lâu nay của phương Tây với Nga vẫn luôn muốn Nga gia tăng các cam kết với hệ thống toàn cầu và đến nay mục đích này vẫn là đúng đắn nhất. 

Như Tổng Thư ký NATO Jens Stontenberg nói: “Cách hành xử tồi không phải là lý đo để cô lập Nga. Ngay cả khi căng thẳng không ngừng leo thang thì đối thoại vẫn quan trọng hơn”.

Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ và phương Tây, Nga cũng phần nào chịu ảnh hưởng, nền kinh tế cũng bị tổn thương vì các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. 

Nhất là kể từ sau năm 2011, khi Nga chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Moscow có thêm sự ràng buộc và phải tuân thủ các quy định của WTO.

Trong đó, phán quyết mới nhất của WTO đã khiến Nga nắm phần thất bại trong nỗ lực lật đổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU. Dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ca ngợi “khuôn khổ kinh tế vĩ mô mạnh mẽ” của Nga, ngay cả khi nó có các rào cản về cấu trúc nền kinh tế, cơ sở hạ tầng không đủ, vấn đề già hóa dân số hay năng xuất sản xuất thấp...

Mỹ thận trọng tính toán trừng phạt Nga

Một trong những lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viện 2 mang Sergei Skripal và con gái tại Anh hồi tháng 3 vừa qua, bất chấp Nga vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc đứng sau vụ việc này. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu công nghệ của Mỹ tới Nga.

Trong thông báo đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn sau 90 ngày, nếu Moscow không ngừng sử dụng vũ khí hóa học và cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến làm việc tại Nga.

Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ đang xem xét dự thảo “Đạo luật Bảo vệ An ninh của Mỹ trước Các động thái gây hấn của Điện Kremlin năm 2018” được nhóm các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trình lên hôm 2/8.

Được gọi là “đạo luật trừng phạt đến từ địa ngục”, đạo luật này sẽ cấm việc hợp tác của các công ty Mỹ với lĩnh vực dầu khí của Nga, nhắm vào hoạt động giao dịch các khoản nợ do chính phủ đứng tên của Nga cũng như hoạt động nhập khẩu uranium của Nga...

Hiện Mỹ vẫn đang thận trọng đặt lên bàn cân những lựa chọn trừng phạt của mình. Washington phải cân nhắc để làm sao những biện pháp đưa ra có hiệu quả nhất buộc Nga phải thay đổi cách hành xử. 

Song, bất kể thế nào Mỹ vẫn sẽ tránh các trừng phạt hoặc các bước đi làm cô lập Nga với phần còn lại của thế giới.

Giới quan sát nhận định, dựa theo Đạo luật Vũ khí Sinh hoá và Loại trừ Chiến tranh 1991, Mỹ có thể cấm vận các hãng hàng không Nga, song điều này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế sinh viên Nga tới Mỹ học tập, hạn chế khách du lịch và cơ hội làm ăn giữa 2 bên trong các lĩnh vực “không nhạy cảm”.

Theo các nhà quan sát, ở bất cứ hoàn cảnh nào Mỹ hay những đồng minh của mình đều không muốn mạo hiểm để đi đến nước “cắt quan hệ ngoại giao với Nga”. Dù căng thẳng đã nhiều lần leo thang đỉnh điểm, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao thiết lập với Nga từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt vào năm 1933.

Trong căng thẳng những năm 1980, trong đó có vụ Liên Xô bắn rơi một máy bay của hãng Hàng không Hàn Quốc đang trong hành trình từ New York (Mỹ) về Seoul, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó cũng không tìm cách để cô lập Liên Xô.

Thay vào đó, Reagan đã đề xuất đàm phán loại bỏ vũ khí hạt nhân tầm trung và xa giữa 2 bên, đồng thời tạo nền tảng để ký kết với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev các Hiệp ước về giảm vũ khí hạt nhân nguy hiểm trong vài năm sau đó.

Lịch sử đã chứng minh việc cô lập Nga không phải là hành động “thông minh” dù ở thời điểm hay hoàn cảnh nào./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại