Theo lời các chuyên gia có chuyên môn sâu về công nghệ phòng thủ tên lửa, việc Mỹ tuyên bố có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên ở pha phóng giữa trên không phận đảo Guam ở thời điểm hiện tại là không thể.
"Không! Ở thời điểm hiện tại, chúng ta không thể bắn chặn chúng", các chuyên gia về vũ khí hạt nhân Joe Cirincione và chuyên gia đối phó các mối thảm họa, Kingston Reif có cùng chung nhận định.
"Nếu Triều Tiên phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản với quỹ đạo bay tên lửa đủ cao, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ vô dụng", chuyên gia J. Cirincione khẳng định với Tạp chí quân sự Defense One.
"Từ khóa ở đây là độ cao vượt qua. Độ cao 770km trên không phận Nhật Bản là điểm ngưỡng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật và Mỹ có thể đánh chặn. Vượt qua độ cao đó, chúng sẽ "bó tay", chuyên gia J. Cirincione nhận định.
"Bộ ba" phòng thủ tên lửa của Mỹ: Tổ hợp Patriot PAC-3, THAAD và tổ hợp điều phối hỏa lực trên hạm Aegis.
Mỹ hiện duy trì hệ thống phòng thủ 3 lớp tại khu vực, gồm tổ hợp tên lửa Patriot, THAAD và Aegis với khả năng đánh chặn ở phạm vi 12, 125 và 1.350 hải lý. Tuy nhiên, toàn bộ chúng chỉ được thiết kế để đánh chặn mục tiêu ở pha phóng cuối, tiếp cận mục tiêu.
Dù đã đổ vào chương trình phòng thủ tên lửa tới hơn 320 tỷ USD trong nhiều năm qua, nhưng hệ thống phòng tên lửa của Mỹ hiện vẫn chưa đủ độ tin cậy để đánh chặn ICBM, thậm chí là tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) ở pha phóng giữa, khi tên lửa đối phương đạt độ cao tối đa.
Mỹ từng tiến hành nhiều thử nghiệm đánh chặn với tổ hợp Aegis, nhưng chỉ đối phó với các dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
"Tới thời điểm hiện tại, Mỹ mới chỉ tiến hành một thử nghiệm đối phó với IRBM, loại tương tự như tên lửa HS-12 của Triều Tiên. Patriot, THAAD và Aegis đều có kết quả đánh chặn tuyệt vời, nhưng chúng chỉ phải đối phó với tên lửa đạn đạo tầm ngắn giả lập mục tiêu", chuyên gia K. Reif cho biết.
Cả hai chuyên gia Joe Cirincione và Kingston Reif đều có chung nhận định, với các phương tiện hiện tại, Mỹ chỉ có 50% cơ hội ngăn chặn tên lửa của Triều Tiên. Tỷ lệ này có thể giảm xuống 0%, nếu Triều Tiên sử dụng tên lửa Hwasong-14 có mang theo thiết bị gây nhiễu và mồi bẫy.
Tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-14 của Triều Tiên.
Cùng với đó, vị trí triển khai vũ khí đánh chặn cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ đánh chặn thành công. Tổ hợp Aegis trang bị trên hạm cần phải có mặt ở đúng vị trí, đúng thời điểm mới có cơ may đánh chặn thành công. Như vậy, để tăng xác suất thành công, Hải quân Mỹ cần rải số lượng lớn các chiến hạm trang bị Aegis tại các vị trí tên lửa Triều Tiên có thể bay qua.
Giải pháp cuối cùng để đối phó với tên lửa của Triều Tiên của Mỹ là hệ thống GMD được thiết kế để đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 5.000km. Tuy nhiên, chương trình phòng thủ tên lửa đã tiêu tốn hơn 40 tỷ USD này hiện vẫn không đủ tin cậy vì hàng loạt vấn đề kỹ thuật.
"Hệ thống lá chắn tên lửa cuối cùng bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ chính là GMD. Tuy nhiên, trong thử nghiệm, GMD đã xuất hiện hàng loạt vấn đề kỹ thuật.
Thực tế, GMD không đủ độ tin cậy để đối phó với các đợt tấn công bằng ICBM, kể cả với số lượng nhỏ", chuyên gia K. Rief nhận định. Thậm chí, ông này có so sánh, việc GMD đánh chặn được tên lửa đạn đạo của đối phương như "ném một đồng xu lên không trung".
Trái ngược với tuyên bố có thể kiểm soát bất kỳ mối đe dọa nào của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mettis, giới phân tích quân sự Mỹ điều nhận định: Triều tiên có hàng trăm tên lửa đạn đạo và chỉ một tiểu đoàn THAAD tại Hàn Quốc là không đủ để kiểm soát tình hình.
Chuyên gia Thomas Karako, cố vấn cao cấp về vấn đề phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Chiến lược và tình hình quốc tế Mỹ, đánh giá: "THAAD triển khai tại Hàn Quốc không thể bảo vệ toàn bộ 25 triệu dân quốc gia này và chỉ có thể tạo thêm thời gian để Mỹ và đồng minh có phương án đáp trả".
"Niềm tin và hệ thống lá chắn tên lửa đang làm lãnh đạo nước Mỹ tự tin leo thang căng thẳng để đáp trả lại các động thái của Bình Nhưỡng. Điều này thực sự đang tạo ra mối nguy cơ lớn", chuyên gia K. Reif nhận định.